Ông Luận làm kinh tế giỏi
29/07/2024 | Tác giả: Ngọc Lam Lượt xem: 161
Nhiều năm nay, ông Bùi Đức Luận, sinh năm 1957 ở khu 6, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao là nông dân sản xuất giỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Với mong muốn làm giàu trên chính đồng đất quê hương, để có vốn kiến thức, ban đầu ông tích cực tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt do tỉnh, huyện, xã phối hợp tổ chức và tìm hiểu qua sách báo, đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở nhiều địa phương để học hỏi kinh nghiệm. Đến năm 1998, gia đình ông mạnh dạn nhận 1ha đồng chiêm trũng để trồng 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá. Năm 2001, được sự hỗ trợ phát triển sản xuất về cây, con giống, gia đình ông bắt đầu đầu tư nuôi 15 con lợn nái, đồng thời chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả.
Năm 2017, quy mô đàn lợn của gia đình ông phát triển với trên 5.000 con. Tuy nhiên, ngay sau đó giá lợn xuống thấp chỉ còn hơn 6.000 đồng/kg, gia đình ông thua lỗ hơn 10 tỷ đồng; năm 2018, dịch tả lợn châu Phi ập đến, giá thịt lợn tụt dốc nhanh chóng, muốn bán lợn mà không có người mua.
Ông chia sẻ: “Vào những thời điểm khó khăn đó, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ thường xuyên, sự vào cuộc tích cực kịp thời tháo gỡ khó khăn của các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể. Nhờ đó, tôi luôn giữ bình tĩnh, tin tưởng vào con đường mình đã chọn để vượt qua. Sau mỗi thất bại, tôi lại rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân”.
Sau những khó khăn, cùng với tiếp tục duy trì chuồng nuôi, ông và các thành viên trong gia đình tích cực học hỏi để tìm ra cách chăn nuôi phù hợp, hiệu quả nhất. Theo ông Luận, trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chìa khóa để phát triển bền vững, trong đó chăn nuôi lợn an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại trang trại của gia đình ông, chất thải từ chăn nuôi lợn được đưa vào máy ép thành bã và nước, trong đó bã được đóng bao bán làm phân bón cho cây trồng với giá khoảng 20.000 đồng/bao 20kg, nước được đưa vào hệ thống bể lắng lọc rồi chảy ra ao làm thức ăn cho cá. Với diện tích hơn 4ha mặt nước, gia đình ông thực hiện nuôi cá bán công nghiệp, chủ yếu là cá giống và cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè, chim, rô phi...
Hiện mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Luận có tổng diện tích hơn 7ha, gồm 3 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn sinh học, thủy sản và kết hợp trồng cây ăn quả. Mô hình đang duy trì hệ thống khép kín nuôi 200 lợn nái, hơn 2.000 lợn thịt, nuôi cá bán công nghiệp và trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, mít, nhãn, mắc ca...
Mỗi năm, trang trại xuất bán hơn 500 tấn thịt lợn, gần 100 tấn cá, trừ chi phí cho thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập ổn định 9-12 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Ông Luận chia sẻ thêm: Hiện gia đình tôi đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng nhà máy cám cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, tạo việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô và tiến tới xây dựng cơ sở cung cấp lợn giống bố mẹ cho các trang trại chăn nuôi, đồng thời tạo ngày càng nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Ông Chử Đức Oanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho biết: “Xã khuyến khích các hộ, trang trại liên kết để phát triển sản xuất, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài năng động làm kinh tế giỏi, ông Luận còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trồng trọt với nhiều người dân trong và ngoài xã có nhu cầu học hỏi. Ông cũng luôn gương mẫu tham gia các phong trào, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho nhiều chương trình nhân đạo từ thiện, quỹ Vì người nghèo, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, khuyến học khuyến tài, nạn nhân chất độc da cam dioxin, xây dựng nông thôn mới ... tại địa phương”.
Với những nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương, ông đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015 và là một trong 100 gương nông dân sản xuất giỏi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023, là đại diện duy nhất của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018 - 2023, được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Ông Luận là tấm gương sáng đi đầu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất của địa phương, tạo động lực cho nhiều người khác vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.
Theo Báo Phú Thọ
https://baophutho.vn/ong-luan-lam-kinh-te-gioi-215741.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn