Phát huy sức mạnh báo chí cách mạng trong kỷ nguyên số
26/06/2024 | Tác giả: Tú Anh Lượt xem: 128
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đối với đội ngũ người làm báo trong kỷ nguyên số, tư tưởng của Người vẫn mang ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Tại Thái Bình, song song với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các cơ quan báo chí nỗ lực theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số thành công, đóng góp vào nền báo chí hiện đại, phụng sự xã hội và nhân dân.
Vai trò tiên phong và trách nhiệm xã hội
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí của tỉnh, 19 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương. Thông qua đa dạng nền tảng từ báo in, phát thanh, truyền hình đến kênh thông tin điện tử, mạng xã hội…, các cơ quan báo chí chủ động tuyên truyền có chiều sâu, hiệu quả nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, tạo sức lan tỏa tích cực. Báo chí đã thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, phát huy vai trò cung cấp thông tin, định hướng dư luận, góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan báo chí đã tập trung phản ánh kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, của cấp ủy các cấp. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh được thông tin kịp thời đến công chúng thông qua các ấn phẩm báo chí như chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Thái Bình; công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng đồng bộ, hiệu quả; công tác thu hút vốn đầu tư, khởi động các dự án, công trình trọng điểm; giao lưu văn hóa, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc…
Công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chú trọng thông qua việc Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã xây dựng, duy trì nhiều chuyên mục như Xây dựng Đảng, Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...các bài viết với nội dung đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các chương trình giao lưu, tọa đàm, trao đổi về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Góp phần ngăn chặn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn ra tinh vi hướng đến nhiều đối tượng, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình tích cực phối hợp với ngành chức năng thường xuyên thông tin, phản ánh tình hình, cảnh báo, khuyến cáo về các vụ việc cụ thể đã xảy ra, các chiêu thức lừa đảo của tội phạm, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
Song song với công tác thông tin, tuyên truyền, các cơ quan báo chí chú trọng thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc xây dựng văn hóa báo chí trước yêu cầu của thời kỳ mới. Báo Thái Bình đã ký kết thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và triển khai kế hoạch thực hiện đồng bộ, nhất quán; đồng thời, đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ, trong tác phẩm báo chí và nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình xây dựng và ban hành Quy chế xây dựng cơ quan báo chí văn hóa quy định cụ thể từ trang phục, giao tiếp, tác nghiệp ở cơ sở, sử dụng mạng xã hội…
Sau quá trình thực hiện Bộ tiêu chí “Cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” gồm 12 tiêu chí cụ thể dành cho tập thể và cá nhân, những người làm báo Thái Bình bằng ý thức, thái độ, tác phong nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức đã đưa tới độc giả nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, không ngừng lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Xây dựng nền báo chí đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới
Trước những thách thức và cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐTTg, ngày 6/5/2023 phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó xác định “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Tháng 11/2023, hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - lý luận và thực tiễn” được Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị, công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình vận hành tòa soạn. Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả...
Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - lý luận và thực tiễn” đã trở thành diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, xuất bản, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các đơn vị xuất bản trên cả nước cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí, xuất bản; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; đồng thời, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, xuất bản ở Việt Nam thời gian tới.
Tại hội thảo, đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để tiếp tục chuyển đổi số báo chí hiệu quả trên địa bàn tỉnh cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Các cơ quan báo chí cần phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả. Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Tăng cường ứng dụng nền tảng số, tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực số có chất lượng và bố trí kinh phí cho cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số…
Hòa trong dòng chảy xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, với các cơ quan báo chí Thái Bình, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng hành của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và công chúng báo chí chắc chắn sẽ là tiền đề thuận lợi để mỗi người làm báo nỗ lực phấn đấu đáp ứng yêu cầu làm báo trong thời kỳ 4.0.
Theo báo Thái Bình
https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/9/202013/phat-huy-suc-manh-bao-chi-cach-mang-trong-ky-nguyen-so
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn