Phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSH: Cần khuyến khích, cổ vũ mô hình đổi mới, sáng tạo

Phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSH: Cần khuyến khích, cổ vũ mô hình đổi mới, sáng tạo

29/11/2022 | Tác giả: LÊ MINH HOAN Lượt xem: 275


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có nhiều gợi mở, hướng tiếp cận mới cho sự phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSH: Cần khuyến khích, cổ vũ mô hình đổi mới, sáng tạo

Mở ra những hướng tiếp cận mới

41 nghìn héc-ta là diện tích đất nông nghiệp biến động, sụt giảm tại vùng đồng bằng sông Hồng, so sánh giữa năm 2010 và 2020. Con số này nói lên điều gì?

Phải chăng việc biến động, sụt giảm đất nông nghiệp đơn thuần là quy luật phổ biến, trước sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, gia tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ?

Phải chăng đất nông nghiệp cần sẵn lòng nhường lại “sân chơi” cho các mục đích sử dụng khác mang lại giá trị cao hơn như các cụm công nghiệp, khu đô thị sầm uất,…?

Phải chăng số lượng doanh nghiệp, người lao động gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm sút?

Phải chăng việc chuyển đổi qua ngành nghề phi nông nghiệp, tiếp cận cơ hội việc làm, cải thiện sinh kế của những người dân gắn với diện tích đất nông nghiệp biến động, sụt giảm, đã tìm được lời giải thoả đáng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ở giữa) khảo sát vùng trồng củ cải tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Mới chỉ một con số thôi, cho thấy rằng, tại đồng bằng sông Hồng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, và tất nhiên, là còn cả những cơ hội, dư địa cho tăng trưởng và phát triển.

Sự giảm sút đất sản xuất nông nghiệp có thực sự còn là vấn đề không, khi một số quốc gia đã ứng dụng mô hình trồng rau, củ, quả theo chiều thẳng đứng, từ diện tích, chuyển qua tính bằng “khối tích”? Khi tại các đô thị với mật độ dân cư cao, nông trại xanh ngay trên tầng thượng các toà nhà, ngày càng trở nên phổ biến? Khi bên cạnh cách thức canh tác trên đất như trước đây, phương pháp kỹ thuật tiên tiến đã mở ra đến “thuỷ canh”“khí canh” và các loại giá thể thay thế khác?

Quy mô rộng hẹp, diện tích lớn nhỏ về đất canh tác nông nghiệp có thực sự là yếu tố quyết định không? Hay quan trọng là ở việc xác định mục tiêu đúng, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, cách thức tiếp cận phù hợp, khả thi với điều kiện, đặc điểm thực tế?

Quy mô, diện tích đất nông nghiệp từ những thửa ruộng bậc thang ở khu vực trung du và miền núi phù hợp để phát triển nông nghiệp đặc sản, tài nguyên bản địa, gắn với bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc.

Quy mô, diện tích đất nông nghiệp từ những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay ở đồng bằng sông Cửu Long phù hợp để phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp, hàng hoá quy mô lớn, tập trung.

Quy mô, diện tích đất nông nghiệp đồng bằng sông Hồng, không phải là nhỏ nhất nước, cũng không phải lớn nhất nước, sẽ phù hợp phát triển theo hướng nào? Quy mô, diện tích đất ở mức tương đối như hiện tại, là vừa đủ, vừa vặn để phát triển nông nghiệp theo hướng “công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, sinh thái”, như quan điểm của Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.

Điều gì thuận lợi hơn khi hệ sinh thái bổ trợ cho phát triển nông nghiệp tại khu vực này cơ bản đã hình thành, từng bước tạo dựng mối liên kết mật thiết, chặt chẽ.

Đó là các nhà máy, công xưởng trong khu vực hoàn toàn đủ năng lực đảm đương các khâu bảo quản, chế biến nông sản, cùng các công nghệ sau thu hoạch khác. Đó là dịch vụ hậu cần logistics thuận tiện. Đó là sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tiềm năng, tầm nhìn hướng đến các giá trị bền vững.

Đó là các khu, cụm công nghiệp hiện có, với đội ngũ công nhân, người lao động ít nhiều được tiếp cận với dây chuyền sản xuất công nghiệp, có thể ứng dụng kiến thức, kỹ năng của mình một cách phù hợp, khi về lại mảnh ruộng, bờ ao nơi quê nhà.

Đó là sự năng động, chủ động thích ứng của người nông dân và người dân nông thôn, thể hiện qua các mô hình tích hợp đa tầng giá trị như lúa rươi, lúa cá, nuôi trai nước ngọt ngay giữa những cánh đồng,... Đó là tinh thần tích cực, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc giới thiệu, quảng bá, xúc tiến sản phẩm nông nghiệp qua đa dạng các kênh, các nền tảng thương mại điện tử, đến với thị trường trong nước và ngoài nước.

Đó là phần lớn các viện, học viện, trường đại học, cao đẳng hàng đầu trong ngành, đều tập trung tại nơi đây, với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, cùng đông đảo sinh viên, học sinh giàu tinh thần dấn thân.

Đó là việc hội đủ các điều kiện cần thiết, để từng bước hình thành cụm liên kết ngành, các tổ hợp công - nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác, không đứng riêng rẻ, không bị chia tách, mà cùng tạo thành một tổng thể hài hoà trong một cấu trúc kinh tế - xã hội.

Nông thôn cần được trân quý như một miền di sản

Nhắc đến đồng bằng sông Hồng là nhắc đến “cái nôi” của nền văn minh lúa nước, của văn hoá làng quê Bắc Bộ, của tinh thần cố kết cộng đồng, của “hương ước” - thiết chế tổ chức, tự quản.

Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế, mà còn là không gian văn hoá; không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc.

Nhiều di sản văn hoá đã được vinh danh, trong đó có nhiều văn hoá phi vật thể, như “tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ”, hay làn điệu dân ca quan họ, chèo, chầu văn,… Không gian văn hoá cộng đồng nơi làng quê giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, định hình nông thôn hài hoà, thân thiện.

Diện tích đất nông nghiệp biến động, sụt giảm tại vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm vừa qua.

Nông thôn “phản chiếu” hình ảnh sinh động về các kết nối xã hội.

Quá trình hình thành nên làng xã nhờ vào tính cố kết cộng đồng, giúp giữ yên xóm làng trước thiên tai, địch hoạ. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, “hương ước” không phải để vượt lên “phép nước”“pháp quyền”, mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nhiên, tự nguyện. Đó cũng là chỉ dấu văn hoá đặc sắc, riêng có ở nông thôn đồng bằng sông Hồng.

Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển.

Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý truyền thống, vun đắp cho nông thôn trở thành tài nguyên du lịch. Đó chính là “tài nguyên mềm”“nguồn lực mềm” cho phát triển bền vững.

Nông thôn cần được trân quý như một miền di sản.

Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian văn hoá, không gian tâm thức, khởi tạo nền tảng vững chắc để hướng tới các làng thông minh, làng hài hoà, làng hạnh phúc.

Nghi lễ, tín ngưỡng dân gian, như lễ hội Tịch Điền, thờ phụng Thần Nông, các vị Thần Hoàng Làng, tưởng nhớ tổ làng nghề,… là những nét văn hoá đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, giúp con người sống nhân văn hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường thiên nhiên.

Từ trải nghiệm thực tế của bản thân qua các chuyến khảo sát ở các địa phương, tôi có niềm tin về một “vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc”, có nền “nông nghiệp công nghệ cao,hữu cơ, xanh, tuần hoàn, có giá trị kinh tế cao”

Cùng với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm, phát triển nông nghiệp góp phần giúp đời sống ngày thêm trù phú, thịnh vượng. Phát triển nông thôn hướng đến chất lượng sống, đến dòng chảy tâm thức từ cội nguồn dân tộc. Chúng ta cần quan tâm thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu này.

Đã xuất hiện những tỷ phú nông dân ở Hải Dương, Hưng Yên,…, những câu lạc bộ đại điền ở Thái Bình, những nông trại công nghệ cao ở khắp vùng.

Chính đời sống văn hoá - tinh thần kế thừa và tiếp nối qua bao thế hệ, hình thành một cách tự nhiên nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng dân cư, cách thức mọi người cư xử, hoà hợp với nhau, từ miền quê ra đến phố thị. Đó mới chính là điều tạo nên bản sắc, “hồn cốt” của vùng đồng bằng sông Hồng “văn hiến nghìn năm”.

Bắt đầu từ “khoán chui” ở xã Đoàn Xá, Kiến Thuỵ, Hải Phòng vào năm 1977, sau đó ra đời Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, để sau này chúng ta nhắc đến khoán 10, khoán 100, được xem là những cột mốc làm thay đổi nông nghiệp đất nước ngay đêm trước đổi mới.

Ngày nay, ngay trên vùng đất này, đã có những mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị, lợi nhuận thu về gấp 5-7 lần trên cùng một đơn vị diện tích. Đã xuất hiện những tỷ phú nông dân ở Hải Dương, Hưng Yên,…, những câu lạc bộ đại điền ở Thái Bình, những nông trại công nghệ cao ở khắp vùng.

Chắc chắn rằng, từ Nghị quyết hôm nay, những tín hiệu đó, không còn chịu cách đánh giá là “khoán chui”, là “phá rào”, mà là sự đổi mới, sáng tạo cần khuyến khích, cổ vũ, là điều cần thiết trong cuộc cách mạng nông nghiệp mới.

Theo nongnghiep

https://nongnghiep.vn/phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-dbsh-can-khuyen-khich-co-vu-mo-hinh-doi-moi-sang-tao-d338575.html


Chia sẻ trên

29/11/2022 | Tác giả: Tuấn Quỳnh

Doanh nghiệp ba nước Thái Lan - Việt Nam - Lào tăng cường hợp tác đầu tư

Ngày 28/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào năm 2022 do Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại Thái Lan. Diễn đàn là nơi diễn ra các hoạt động triển lãm sản phẩm, xúc tiến thương mại, trao đổi công nghệ nhằm tăng cường giao thương, trao đổi, kết nối và hình thành mạng lưới giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Thái Lan và Lào.

29/11/2022 | Tác giả: Sơn Trang

Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản hàng đầu cho Mỹ

Thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh trong năm nay và Việt Nam cũng đang nằm trong Top đầu những nước cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường này.

28/11/2022 | Tác giả: Hoàng Nam

Lô bưởi đầu tiên xuất sang Mỹ

Bưởi chính thức trở thành loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...