Phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu: Cảnh giác nhưng không hoang mang
20/07/2024 | Tác giả: Mai Hoàng Lượt xem: 162
Sau trường hợp một bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu tại tỉnh Nghệ An, những ngày qua ngành y tế xác định thêm ca mắc mới ở địa phương này và tỉnh Bắc Giang. Tại tỉnh Bình Ðịnh, công tác phòng chống bệnh bạch hầu đang được triển khai khẩn trương.
Chủ động kiểm soát, ứng phó
Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu có diễn biến phức tạp ở tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, ngày 13.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 68/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Trước đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh này.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu, có thể dự phòng bệnh bằng vắc xin.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, ngành y tế và các địa phương trong tỉnh khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib, DPT… để tổ chức tiêm bù, tiêm vét.
Các đơn vị y tế củng cố công tác chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Đáng chú ý, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh và biện pháp phòng bệnh để người dân chủ động phòng chống.
“Đồng thời, quan trọng không kém là đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh bạch hầu, biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh. Tăng cường thực hiện giám sát phòng chống dịch bệnh này tại cơ sở y tế, trường học, tại cộng đồng để kịp thời phát hiện và cách ly, xử lý kịp thời trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát ổ dịch”, bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn nhấn mạnh.
Không nên tự tiêm phòng bạch hầu
Sáng 12.7, vợ chồng ông T.N.L (70 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đến tại phòng tiêm vắc xin dịch vụ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), tìm hiểu và đăng ký tiêm vắc xin bạch hầu. “Nghe thông tin bệnh bạch hầu có ca tử vong ở tỉnh Nghệ An, nên tôi cũng lo. Tìm hiểu thông tin thì thấy người lớn vẫn có thể tiêm nhắc lại nên tôi đăng ký tiêm cho an toàn”, ông L. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, tổ tiêm chủng CDC, cho hay: Gần 1 tuần qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 40 trường hợp người dân đến hỏi về vắc xin tiêm phòng bệnh bạch hầu, chủ yếu là người lớn tuổi. Chúng tôi hướng dẫn, tư vấn về biện pháp phòng bệnh như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… ; đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ghi nhận ở nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ, số lượng người dân hỏi tiêm vắc xin bạch hầu tăng lên so với trước đây. Bác sĩ Nguyễn Võ Thị Huyền Trân, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng Thu Phúc (TP Quy Nhơn), thông tin, bình quân khoảng 10 trường hợp/ngày đăng ký tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu, tuy nhiên hiện không còn vắc xin để tiêm.
Theo CDC, trong năm 2024, Bình Định triển khai tiêm bù cho trẻ em thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (trong đó có vắc xin phòng bệnh bạch hầu) chưa tiêm đủ mũi do thiếu vắc xin từ năm trước. Đến nay, đối với trẻ thuộc diện sinh năm 2023, có 96,47% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; 80,4% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi nhắc lại. Hiện, hoạt động tiêm bù vẫn đang tiếp tục triển khai lồng ghép trong hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại tất cả trạm y tế đến hết năm 2024. Còn trẻ sinh năm 2024, đã có 38,54% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin tiêm chủng mở rộng; 41,1% trẻ được tiêm vắc xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi nhắc lại.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc CDC, cho hay: Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Bình Định, việc tiêm chủng được thực hiện thường xuyên hằng tháng cho trẻ đã đến thời gian tiêm chủng. Trong đó, trẻ đủ 2 tháng tuổi tiêm vắc xin SII (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib) và trẻ đủ 18 tháng tuổi vắc xin DPT (vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván).
“Đối với tiêm chủng vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng tôi ghi nhận số lượng người dân liên hệ để tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu gia tăng, chủ yếu ở thanh thiếu niên hoặc người lớn, với lo ngại sợ mắc bệnh nên có nhu cầu tiêm chủng để phòng bệnh. Tuy nhiên, người dân không tự ý tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế”, bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền lưu ý.
Theo Báo Bình Định
https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=8&mabb=280165
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn