Phú Quốc: Kinh doanh ế ẩm, nhiều người trả mặt bằng
26/09/2023 | Tác giả: Hữu Tuấn Lượt xem: 299
Kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm, không có người mua, người bán không còn đủ sức để trả tiền mặt bằng, nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng trên địa bàn TP Phú Quốc (Kiên Giang) đành chấp nhận trả lại mặt bằng đã thuê trước đó.
Giá mặt bằng cao, không trả nỗi
Theo ghi nhận của phóng Báo Kinh tế & Đô thị, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn phường Dương Đông, cũng như các khu du lịch tình trạng trả lại mặt bằng do buôn bán ế ẩm, không trụ nổi do giá mặt bằng quá cao, thu không đủ chi, nhiều tháng liền chịu lỗ.
Khảo sát của phóng viên, tại các tuyến đường trung tâm TP Phú Quốc như: Nguyễn Trung Trực, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, 30/4, Lý Thường Kiệt, Trần Phú …là những tuyến đường có giá mặt bằng cao ngất ngưỡng. Hàng tháng một tiểu thương phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để trả tiền mặt bằng, dù bán được hay không.
Chia sẻ với phóng viên, một tiểu thương trên đường Nguyễn Trung Trực cho biết, một kiốt thuê với giá dao động từ 20 -40 triệu đồng tùy diện tích và vị trí, còn đối với nhà nguyên căn thì đắt gấp đôi so với giá của kiốt, thậm chí gấp 3 so với kiốt. Khi thuê phải ký hợp đồng đặt cọc trả trước 3 tháng, hàng tháng vẫn phải thanh toán tiền thuê, trả mặt bằng trước thời hạn hợp đồng có thể mất cọc.
Khu vực được cho là giá mặt bằng cao ngất ngưỡng tại ngã 5, đường Trần Hưng Đạo, đường 30/4 thì giá mặt bằng cao hơn so với đường Nguyễn Trung Trực rất nhiều, cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Anh H. một tiểu thương kinh doanh trong đồ gỗ, mỹ nghệ cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, khách du lịch không có, người lao động thì vắng, bất động sản đứng hình khiến cho Phú Quốc rơi vào tình trạng khó khăn. Những mặt hàng xa xỉ, ăn uống, nhà hàng giá mặt bằng cao nên họ trả lại mặt bằng để giảm bớt các chi phí.
Trao đổi với phóng viên chị N., chủ một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo cho biết, tiền thuê mặt bằng 1 tháng 100 triệu đồng, tiền nhân viên, chi phí điện nước và các khoản chi khác cả tháng lên tới 300 triệu đồng. Nhưng năm nay, thu không đủ chi, phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ, trong khi đó chủ đất không giảm tiền mặt bằng mà vẫn thu đủ, thu đúng ngày, áp lực trả tiền mặt bằng cao hơn tiền nhân viên.
“Trước khi ký hợp đồng thuê mặt bằng, phải trả một khoản tiền đặt cọc tương ứng 3 tháng, nếu trả mặt bằng trước hạn sẽ mất cọc, chưa kể các khoản đầu tư khác, giờ phải kiếm người sang mặt bằng để còn lấy lại được tiền đã đặt cọc trước đó, chứ không mất trắng” chị N. cho hay.
Tác động từ du lịch, bất động sản
Theo báo cáo sở Du lịch trong tháng 9, TP Phú Quốc ước đón 161.978 lượt khách (giảm 71,2% so với tháng trước), trong đó khách quốc tế ước đón 13.995 lượt (giảm 60,1% so với tháng trước); tổng thu đạt khoảng 824 tỷ đồng (giảm 24,8% so với tháng trước).
Từ những con số nói trên cho thấy tác động từ du lịch, bất động sản ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Phú Quốc. Du lịch suy giảm, bất động sản đứng hình, khách quay lưng, người lao động cũng không còn mặn mà với Phú Quốc như những năm trước dịch.
Trao đổi với phóng viên, một chủ khách sạn tại Dương Đông cho biết, trước dịch lượng khách đến Phú Quốc rất động, người lao động từ các tỉnh thành đổ về địa phương chỉ kém các TP lớn, nhưng nay thị trường du lịch, bất động sản không hoạt động tốt. Trong khi giá cả các mặt hàng tại Phú Quốc thì đắt đỏ, người lao động cũng phải dè chừng khi bỏ tiền ra mua sắm các sản phẩm xa xỉ…. Một số người lao động cũng không còn mặn mà ở Phú Quốc như trước mà chuyển về quê hoặc đi nơi khác để sinh sống và làm việc.
Một môi giới bất động sản tại Phú Quốc cho biết, khách với mọi năm, năm nay thị trường bất động sản Phú Quốc vắng bóng khách, tình trạng này cũng ảnh hưởng đến một số ngành nghề khác.
Theo báo Kinh tế & Đô thị
https://kinhtedothi.vn/phu-quoc-kinh-doanh-e-am-nhieu-nguoi-tra-mat-bang.html