Quả cau tăng giá, nông dân Quảng Nam thêm niềm vui
29/09/2024 | Tác giả: Tuyết Lê Lượt xem: 179
Những ngày này, nông dân ở các huyện Tiên Phước, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tất bật thu hoạch quả cau. Năm nay, quả cau được mùa lại được giá nên bà con ai cũng vui
Trước đây, khu vườn của gia đình ông Trần Văn Nhi, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên chủ chủ yếu trồng rau, đậu, bí đỏ. Vùng đất này bị nhiễn phèn nặng nên năng suất cây trồng không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, ông Nhi đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng cây cau, hiệu quả cao hơn. Hiện nay, khu vườn của ông Nhi trồng hơn 300 cây cau, giá bán từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg (tùy loại).
Ông Trần Văn Nhi cho biết, trồng cau hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa và các loại hoa màu khác. Ông Trần Văn Nhi cho biết thêm, mỗi năm, một hộ dân thu về tầm 50 đến 70 triệu đồng từ cây cau. “Khu vườn tôi chủ yếu trồng cau, kinh tế mang lại rất tốt. Nếu bán luôn cả vườn mỗi năm thu lãi vài chục triệu đồng. Tính ra 1 cây họ mua 150.000 đồng. Khách du lịch có ghé tham quan vườn cau, gia đình rất vui”
Theo phản ánh của người dân huyện Duy Xuyên, cây cau khoảng 4 năm tuổi thì bắt đầu cho quả, mỗi vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11.
Năm trước, giá bán cau tại vườn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua, phải đổ bỏ. Năm nay, giá cau tăng lên 50.000 đến 55.000 đồng/kg (tăng gấp 20 lần) nên nông dân ai cũng vui. Cây cau dễ trồng và không kén đất, tiết kiệm diện tích đất, phân bón, ít sâu bệnh lại chống chịu được với khô hạn.
Theo ông Nguyễn Đó, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, để cây cau phát triển tốt, người trồng sử dụng phân hữu cơ và phòng ngừa bệnh thối đọt cau: “Người dân địa phương chủ yếu là trồng cây cau, ở đây nguồn nước phèn nên không trồng được cây gì, chỉ có trồng cau. Trồng cau năm nay giá cũng được. Nhờ trồng cau mà có tiền trang trải trong gia đình”
Xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 1.000 hộ dân trồng cau với hơn 52.000 cây, sản lượng bình quân gần 520 tấn/năm. Hiện nay, trái cau xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc và rất dễ bán. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, cây cau chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí thấp lại không tốn nhiều công chăm sóc nên nhiều gia đình đã đầu tư phát triển cây cau: “Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đối với địa phương có các mô hình, đặc biệt là mô hình trồng cau của hộ dân đem lại thu nhập khá cao. Đặc biệt năm 2024 giá cao rất cao nên người nông dân có thu nhập. Mỗi năm, người dân thu lãi từ 40 triệu đến 60 triệu đồng/ sào. Trồng cau tại xã Duy Vinh triển khai lâu rồi, hiệu quả kinh tế những năm gần đây giá cao nên người dân có thu nhập. Địa phương đang nhân mô hình trồng cau đến người dân”
Thời gian qua, chính quyền huyện Duy Xuyên cũng đã hỗ trợ nông dân giống cây, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng cau. Năm nay, nông dân huyện Duy Xuyên chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới qua trồng cây màu và cây cau, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: quan điểm của huyện là khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng sao cho có lợi, phát triển kinh tế: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về phát triển kinh tế sản xuất để nâng cao đời sống thu nhập, phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tại địa phương đã hình thành nhiều mô hình kinh tế như cây cau, vườn trái cây, sen Trà Lý đã nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đồng hành cùng với sản xuất đảm bảo đời sống của người nông dân”
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam có hàng ngàn hộ dân trồng cây cau, tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Tiên Phước, Hiệp Đức và Đại Lộc. Cây cau đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo VOV
https://vov.vn/kinh-te/qua-cau-tang-gia-nong-dan-quang-nam-them-niem-vui-post1124515.vov
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn