Quyền lợi từ tấm thẻ BHYT học sinh, sinh viên
04/10/2023 | Tác giả: Khánh Anh Lượt xem: 317
Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT
BHXH TP Hà Nội vừa tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "BHYT học sinh, sinh viên đồng hành năm học mới" trên cổng thông tin điện tử BHXH thành phố nhằm giải đáp, thông tin rộng rãi những nội dung mới nhất về chính sách BHYT, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng của học sinh, sinh viên (HS-SV) khi tham gia BHYT. Trong năm học 2022-2023, toàn TP Hà Nội có 2,23 triệu HS-SV tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 98,84%. Trong đó, nhiều quận, huyện đạt tỉ lệ bao phủ rất cao, chênh lệch giữa các địa bàn cũng không quá lớn.
Giảm rủi ro khi mắc bệnh hiểm nghèo
Theo ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, chính sách BHYT cho người dân nói chung, trong đó có nhóm đối tượng HS-SV, là quy định bắt buộc trong Luật BHYT. Đây cũng là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.
Thời gian qua, BHXH TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động HS-SV tham gia BHYT. Tỉ lệ HS-SV tham gia BHYT tăng dần qua các năm học: Cụ thể, trong năm học 2020-1021 là 97,91%, năm 2021-2022 là 98,35%. Trong năm học 2022-2023, toàn địa bàn có 2,23 triệu HS-SV tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 98,84%. Trong đó, nhiều quận, huyện đạt tỉ lệ bao phủ rất cao, chênh lệch giữa các địa bàn cũng không quá lớn. Việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ bảo đảm cho HS-SV được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm rủi ro khi các em không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ 100% HS-SV tham gia BHYT trong năm học 2023-2024.
Trong thời gian giao lưu, các chuyên gia đã tiếp nhận và trả lời nhiều câu hỏi của độc giả liên quan đến chế độ, chính sách BHYT đối với HS-SV. Đó là: mức đóng, thời hạn sử dụng thẻ BHYT; quyền lợi của HS-SV khi đi khám, chữa bệnh (KCB): đúng tuyến, trái tuyến, thông tuyến, chuyển tuyến…; chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường cho HS-SV; tra cứu thông tin trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số...
Hiện tại, mức đóng BHXH của HS-SV được áp dụng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Do đó, số tiền phải đóng là: 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng = 972.000 đồng/năm. Trong đó, số tiền HS-SV thực đóng là 680.400 đồng/năm do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.
Mức hưởng khi KCB BHYT
Trong những năm qua, việc triển khai công tác BHYT HS-SV đã có nhiều kết quả tích cực. Riêng trong năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 96% tổng số HS-SV.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu 100% HS-SV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số địa phương đã hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HS-SV từ ngân sách địa phương. Do đó, số tiền thực đóng BHYT của mỗi HS-SV tiếp tục được giảm. Khi đi KCB BHYT đúng quy định, HS-SV được hưởng trong các trường hợp cụ thể dưới đây.
Đối với trường hợp KCB BHYT đúng tuyến, HS-SV được hưởng 100% chi phí KCB BHYT nếu: tổng chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 270.000 đồng); KCB tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn); có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 10.800.000 đồng). HS-SV cũng được hưởng 80% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng BHYT. Phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB. Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến, HS-SV sẽ được hưởng: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí KCB ngoại trú, nội trú tại bệnh viện tuyến huyện. Đối với học sinh lớp 1, giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 1-10 năm đầu tiên của cấp tiểu học. Đối với học sinh lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-9 của năm học.
Theo báo Người Lao Động
https://thitruong.nld.com.vn//nhip-song/quyen-loi-tu-tam-the-bhyt-hoc-sinh-sinh-vien-20231002163742444.htm