Rau màu mất giá, nông dân không có lãi
02/03/2024 | Tác giả: Nhật Trường Lượt xem: 136
Từ sau Tết cổ truyền năm 2024 đến nay, rau màu ở tỉnh Tiền Giang rớt giá thê thảm; trong khi đó chi phí sản xuất mùa nắng hạn tăng cao, nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng.
Ở thời điểm này, hầu hết các loại rau xanh tại tỉnh Tiền Giang đều sụt giá hơn cùng vụ năm ngoái từ 20-30% và giảm phân nửa so với trước tết cổ truyền Giáp Thìn; trong đó cải Thìa giá giảm sâu nhất, chỉ còn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, rau muống 3.000 đồng/kg, rau má, rau răm, hành hẹ trên dưới 5.000 đồng/kg.
Có thời điểm, ruộng rau của nông dân đến giai đoạn thu hoạch vắng thương lái đến thu mua, phải thu hoạch cho gia súc, cá ăn... Trong khi đó, vào thời điểm khô hạn, nguồn nước trong kênh mương thủy lợi cạn dần, phí cho khâu bơm tưới nước cung cấp cho rau màu tăng cao nên nông dân không có lãi cao như các năm trước, thậm chí trồng nhiều loại rau còn bị thua lỗ.
Theo các thương lái, giá rau màu giảm sâu do vụ Đông Xuân sản lượng tăng cao, lượng rau màu từ Đà Lạt và kể cả rau màu nhập ngoại về nhiều nên dẫn đến “cung vượt cầu”.
Tuy vào mùa khô hạn nhưng nông dân tỉnh Tiền Giang vẫn trồng được vài nghìn ha rau màu, tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, Châu Thành. Vụ này thời tiết thuận lợi, rau màu tốt tươi nhưng giá thấp nên nhà nông không có lãi.
Ông Châu Hoàng Quân, nông dân trồng rau màu tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Giá rau cải rất tệ, nông dân không có thu nhập, phân thuốc ngày một lên, nhân công cũng lên mà giá thì giảm mạnh. Nông dân bán đám nào lỗ đám nấy. Mình bán cải nhỏ được 1.000 đồng/kg, cải lớn một chút được 1.500 đồng/kg, còn rau muống lái kêu cắt đi trả được nhiêu thì trả, thua lỗ”.
Theo VOV
https://vov.vn/kinh-te/rau-mau-mat-gia-nong-dan-khong-co-lai-post1079950.vov