Sau gạo, đường, thế giới lại đối mặt tình trạng thiếu hụt một mặt hàng cực thiết yếu - Việt Nam lập tức được gọi tên
07/12/2023 | Tác giả: Đức Nam Lượt xem: 220
Sản lượng thấp, nhu cầu nội địa ngày càng tăng khiến nguồn cung cà phê ra toàn cầu của Việt Nam có thể sụt giảm.
Thế giới có thể nhập được ít cà phê hơn từ Việt Nam – quốc gia trồng cà phê robusta lớn nhất thế giới. Đây là loại cà phê được sử dụng trong đồ uống hòa tan và cà phê esporesso phổ biến hiện nay. Sản lượng thấp hơn trong khi nhu cầu nội địa ngày càng tăng đã làm hạn chế nguồn cung xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết tại một hội nghị ở TP.HCM rằng cả nước có thể sản xuất 1,6-1,7 triệu tấn cà phê từ vụ thu hoạch hiện tại, giảm so với mức 1,78 triệu tấn một năm trước đó. Ông cho hay lượng dự trữ từ vụ trước gần như cạn kiệt.
Đây được xem là tin không vui với người tiêu dùng toàn cầu, những người đang phải đối mặt với giá sinh hoạt ngày càng tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn tại London đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 vào đầu năm nay do thiếu nguồn cung. Tháng trước, giá cà phê cũng ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu năm.
Theo ông Nam, diện tịch trồng cà phê ở Việt Nam đang bị thu hẹp, đặc biệt là các tỉnh lớn như Dak Lak, Dak Nông trong khi năng suất cũng giảm ở một số khu vực.
Tổng diện tích cà phê cả nước hiện vào khoảng 600.000 ha, theo ông Nam, so với ước tính của Bộ Nông nghiệp mới đây là 700.000 ha, do nông dân chặt bỏ cây cà phê để trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng, bơ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch hiệp hội, cho biết xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm 15% trong niên vụ 2023-2024 từ mức 1,66 triệu tấn một năm trước đó. Giá nội địa tăng hơn 40% so với một năm trước.
Theo ông Nam, tiêu thụ cà phê trong nước có thể tăng lên 350.000-400.000 tấn so với mức 260.000 tấn hiện tại khi các nhà máy cà phê hòa tan đạt công suất tối đa.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2023, dự kiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá thu về gần 3,5 tỷ USD.
Hiện thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản…
Xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc chưa chiếm tỷ trọng cao, song nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang quan tâm tới thị trường này. Bởi, Trung Quốc có tốc độ nhập khẩu cà phê tăng bình quân hơn 25%/năm khi giới trẻ nước này ngày càng thích cà phê hơn trà.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/sau-gao-duong-the-gioi-lai-doi-mat-tinh-trang-thieu-hut-mot-mat-hang-cuc-thiet-yeu-viet-nam-lap-tuc-duoc-goi-ten-48478.html