Sử dụng nước đun sôi để nguội thế nào là đúng cách?
22/09/2023 | Tác giả: KHÁNH AN Lượt xem: 211
Vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại trong nước đun sôi để nguội sau 2 giờ đồng hồ, vậy cần sử dụng nước đun sôi để nguội theo cách nào để bảo đảm sức khỏe?
Nước chiếm 60 - 70% trọng lượng cơ thể, và là thứ cần được bổ sung thường xuyên để quá trình trao đổi chất luôn diễn ra hoàn hảo, sức khỏe được bảo vệ tốt nhất. Trong các loại đồ uống, nước đun sôi để nguội được các chuyên gia khẳng định là tốt nhất, nhưng sử dụng nước đun sôi để nguội đúng cách là thế nào thì không phải ai cũng biết.
Sử dụng nước sôi để nguội đúng cách
Trên báo VnExpress, TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, lưu ý rằng nước sôi để nguội lâu ngày sẽ mất gần hết oxy, ngoài ra trong nước có những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống. Thời gian để càng lâu, vi khuẩn trong môi trường sống càng có điều kiện xâm nhập và phát triển.
Khi bạn đổ nước đun sôi để nguội mới vào bình vẫn còn nước cũ, vi khuẩn và nấm mốc tiếp tục phát triển, uống vào dễ sinh bệnh.
Để đảm bảo sức khỏe, mọi người cần sử dụng nước đun sôi để nguội đúng cách. Nước phải được để trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa phải đảm bảo vệ sinh và làm bằng chất liệu an toàn (tránh dùng bình làm từ nhựa tái sinh). Tốt nhất là bảo quản nước sôi để nguội trong bình kín, có vòi xả.
Nước đun sôi để nguội nên được uống hết trong vòng 24h, không đun đi đun lại nhiều lần, cũng không đổ nước mới hòa vào nước cũ.
Tuyệt đối không nên đổ nước nóng vào chai nhựa.
Sử dụng nước đun sôi để nguội sai cách có hại gì?
Sai lầm phổ biến khi dùng nước đun sôi để nguội là dùng nước lưu cữu quá lâu, nước được lấy từ nguồn không đảm bảo an toàn.
Khi đun sôi nước ở 100 độ C, chúng ta có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn nhưng chỉ sau 2 giờ để nguội, nước này bắt đầu tái nhiễm vi khuẩn. Sau 24 giờ, lượng vi khuẩn này đã phát triển với số lượng lớn gấp nhiều lần.
Trong một bài đăng trên báo Dân Trí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khuyến cáo, việc đun sôi nước giúp tiêu diệt vi sinh vật, ký sinh trùng chứ không có khả năng đảm bảo an toàn về mặt hóa học.
"Nếu nước bị ô nhiễm các chất thì đun sôi không có tác dụng", TS Thịnh nói.
Nước nhiễm khuẩn, vi sinh vật và hóa chất độc hại tất nhiên sẽ đe dọa sức khỏe con người, gây các bệnh đường tiêu hóa và nhiều bệnh khác.
TS Trần Hồng Côn cho rằng cách sử dụng nước không đúng cũng có thể gây ra ung thư, đó là khi nó được đựng trong các chai nhựa chứa hợp chất mononer, hoặc khi bạn thường xuyên uống loại nước cũ để lâu trong bình phát sinh nấm mốc.
Đừng để thấy khát mới uống nước
Nhiều người mắc phải sai lầm khi lơ là việc uống nước, đến tận lúc cảm thấy khát mới uống.
Cảm giác khát chứng tỏ cơ thể bạn đang thiếu nước trầm trọng, cản trở hoạt động bình thường của đa số cơ quan nội tạng, lâu dần gây nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Vì vậy, bạn nên uống nước đều đặn để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Mỗi ngày, một người cần uống khoảng 2 lít nước. Tuy nhiên, nhu cầu thật sự ở mỗi người mỗi khác, chưa kể điều này còn liên quan đến thời tiết và tình trạng vận động.
Theo báo VTC News
https://vtc.vn/su-dung-nuoc-dun-soi-de-nguoi-the-nao-la-dung-cach-ar820635.html