Tận dụng thế mạnh nền tảng mạng xã hội, đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí
22/06/2024 | Tác giả: Nhật Linh Lượt xem: 167
Kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, doanh thu quảng cáo của cơ quan báo chí cũng chịu tác động không nhỏ. Vậy trong bối cảnh này, cách gì để giúp báo chí vượt qua và phát triển bền vững?
Thống kê từ Bộ TT&TT cho thấy, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
'Miếng bánh' doanh thu quảng cáo bị mạng xã hội chiếm lĩnh
Tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động lớn tới kinh tế trong nước và cơ quan báo chí không nằm ngoại lệ. Theo đó, vấn đề kinh tế báo chí tiếp tục là vấn đề nóng khi nhiều cơ quan báo chí sụt giảm mạnh về doanh thu, nhất là ngành báo in và báo mạng điện tử.
Bức tranh tài chính của các báo mạng điện tử và tạp chí được Bộ TT&TT phác thảo cho thấy, tính đến cuối năm 2023 có 39% cơ quan báo, tạp chí tự bảo đảm chi thường xuyên, 36% cơ quan tự bảo đảm một phần; 25% các cơ quan báo chí được ngân sách chi thường xuyên. Như vậy, số cơ quan báo, tạp chí tự lo trang trải và đầu tư phát triển không nhiều, chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách.
Trong khi đó, ở nhiều thời điểm, doanh thu từ quảng cáo chiếm trên 60%, thậm chí là 90% nguồn thu của một số cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ.
Sự phát triển mạnh mẽ của internet và sự ra đời của nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... đã chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ về dịch vụ quảng cáo, truyền thông; cạnh tranh mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, tạp chí.
TS. Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, các mạng xã hội chủ yếu do các “đại gia” công nghệ nắm giữ với nhiều thuật toán thông minh giúp kết nối và tạo ra không gian giao tiếp phóng khoáng và tự do hơn. Trong khi đó, môi trường báo chí không có thuật toán kích thích nhu cầu giao tiếp, kết nối và năng lực sáng tạo cho công chúng.
"Do đó, báo chí đang mất dần công chúng và thị phần, kèm theo mất dần nguồn thu là điều dễ hiểu. Công chúng mới, thị trường mới nhưng hoạt động báo chí chưa kịp mới", ông Dững chia sẻ. Mặt khác, báo chí hiện chưa thích ứng kịp với môi trường truyền thông số, cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí, nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, một chiều và thụ động.
Trước thực tế trên, rõ ràng để phát triển không có cách nào khác là các cơ quan báo chí phải “chuyển mình”, thích ứng với công nghệ số nhằm đa dạng nguồn thu. Và việc phát triển nội dung trên các nền tảng số như Youtube, Facebook, Google… đang là xu hướng được nhiều cơ quan báo chí thực hiện nhằm tìm kiếm thêm độc giả. Đây sẽ hướng đi hứa hẹn tạo nguồn thu mới cho các tờ báo thông qua hoạt động quảng cáo.
Kiếm tiền từ chính mạng xã hội xuyên biên giới
Nhấn mạnh xu hướng này, còn nhớ tại cuộc giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang từng nói rằng, yêu cầu đặt ra với báo chí ngày càng cao, sự cạnh tranh giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội rất lớn, thậm chí có sự cạnh tranh giữa chính các cơ quan báo chí.
Phó Thủ tướng dẫn thực tế Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng có doanh thu năm 2023 hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đã thu từ Youtube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng.
Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh muốn thu được tiền từ Youtube phải dựa trên số lượng người xem và độ hấp dẫn của chương trình. Vì thế, đây là điều mà các cơ quan báo chí cần suy nghĩ để học hỏi.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cũng cần tập trung phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách nội dung để đưa lên các nền tảng mạng xã hội. Thực tế, khảo sát của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 140 cơ quan báo chí cho thấy, 100% đã khai thác nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới của bên thứ 3 như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok… Nhưng chỉ có 18% trong số này có nhân sự chuyên trách về việc phát triển nội dung lên các nền tảng này.
Do vậy, TS. Nguyễn Văn Dững cho rằng, mỗi doanh nghiệp khi chuẩn bị khởi nghiệp cần phải xác định mối liên hệ giữa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ với khách hàng và báo chí cũng cần phải như vậy. Muốn chiếm lĩnh thị trường thông tin, cơ quan báo chí cần xác định và phân loại công chúng, hướng đến tổ chức sản xuất tin tức, sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mục tiêu, từng bước biến công chúng thực tế thành khách hàng.
Nói cách khác, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần thiết lập cơ chế quản trị mục tiêu, quản trị mô hình, quản trị chất lượng, quản trị nhân sự, để nâng cao hiệu quả hoạt động. Kiến thức và kỹ năng quản trị sẽ giúp ban biên tập tìm được lối đi cho toà soạn để có thể vừa phát triển kinh tế báo chí bền vững, không chụp giật, vừa phụng sự đất nước.
Mặt khác, để phát triển bền vững, báo chí cần duy trì tốt việc thông tin một cách nhanh, chính xác, khách quan, chân thực… Đặc biệt, vai trò định hướng thông tin của báo chí có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nếu làm tốt điều này thì đây vẫn là lĩnh vực gia tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí.
Ở góc độ vừa là đối tác vừa là bạn đọc của báo chí, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nhìn nhận báo chí truyền thông trong thời đại kỹ thuật số đang mở biên độ hoạt động cả về bề rộng và chiều sâu để đạt hiệu quả thông tin cao nhất.
Doanh nghiệp rất cần báo chí để tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác, môi trường kinh doanh, qua đó có thêm kênh định hướng hoạt động và đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh, đầu tư; còn báo chí có vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu chiến lược hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh, sản phẩm cho doanh nghiệp.
Báo chí cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan, thông qua thông tin trên báo chí, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể lắng nghe ý kiến, đánh giá của doanh nghiệp đối với việc ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách, qua đó giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Do đó, tăng cường sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước. "Để sự hợp tác quan trọng này bền vững, chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa hợp tác và thiết lập sự hợp tác trên nền tảng văn hóa", ông Việt chia sẻ.
Theo vnbusiness
https://vnbusiness.vn/viet-nam/tan-dung-the-manh-nen-tang-mang-xa-hoi-da-dang-hoa-nguon-thu-cho-bao-chi-1100501.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn