Tạo ‘đòn bẩy’ đưa hàng Việt vào mạng lưới phân phối nước ngoài
13/07/2023 | Tác giả: Thế Vinh Lượt xem: 369
Khi xuất khẩu gặp khó thì điều mà các doanh nghiệp Việt cần làm trong lúc này là nên đổi mới cách thức tiếp cận với nhà thu mua quốc tế, chú trọng đến trải nghiệm sản phẩm theo hình thức giao thương. Về phía các cơ quan xúc tiến thương mại, thương vụ rất cần hỗ trợ phát triển thị trường nhằm tạo “đòn bẩy” đưa hàng Việt vào mạng lưới phân phối nước ngoài một cách hiệu quả hơn.
Mới đây, trong thượng tuần tháng 7/2023, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao kết hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Tập đoàn ThaiBev đã tổ chức sự kiện Hương vị Việt Nam (Tasting Vietnam) tại một khách sạn lớn ở Bangkok (Thái Lan).
Chọn cách thức tiếp cận mới
Đây được xem là cách thức tiếp cận mới của ngành hàng nông sản thực phẩm Việt đối với mạng lưới phân phối ở nước ngoài, chú trọng đến trải nghiệm sản phẩm hoàn thiện theo hình thức giao thương giữa doanh nghiệp (DN), hỗ trợ cho phương thức giao thương truyền thống. Theo đó, các nhà mua hàng, nhà phân phối quốc tế có những trải nghiệm thực tế tại chỗ và đưa ra quyết định chọn sản phẩm phù hợp.
Chẳng hạn như các nhà thu mua quốc tế sẽ được thưởng thức trà nho với giống nho không hạt mới từ Cự Phong, Lạng Sơn, hay trà vải Bắc Giang và các loại cà phê Việt Nam. Họ cũng được dùng các sản phẩm mới như bánh tráng không dùng nước, tôm sấy chân không, những món ăn được chế biến từ các gói gia vị…
Về phía DN Việt, họ có được cơ hội tìm hiểu trực tiếp và những góp ý của nhà nhập khẩu, nhà mua hàng đối với các sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Phúc Nam – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), nhận định cách tiếp cận bằng cảm nhận trực quan của nhà mua hàng tại Tasting Vietnam khá độc đáo, hiệu quả.
Còn theo ông Nguyễn Thành Huy – Phụ trách Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, đây là hướng tiếp cận thị trường mới mẻ và toàn diện, là cơ hội chinh phục trực tiếp doanh nghiệp nhập khẩu.
“Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống sử dụng vùng nguyên liệu địa phương được lựa chọn kỹ càng, chế biến góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng của các sản phẩm Việt Nam, và ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế”, ông Huy chia sẻ.
Có thể thấy việc đổi mới cách thức tiếp cận nhà thu mua quốc tế, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại như nêu trên đối với hàng Việt là rất cần thiết trong lúc này nhằm giúp các DN Việt vượt qua khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu (XK) tốt hơn.
Điều này cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tại chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 12/7 (thu hút hơn 300 nhà cung cấp, DN, chủ thể sản xuất tham gia).
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng trong bối cảnh hoạt động XK đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay đòi hỏi cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Còn đứng ở góc độ địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, thừa nhận tình hình khó khăn khi kim ngạch XK của Tp.HCM trong nửa đầu năm nay giảm sâu đến 22,4% so với cùng kỳ năm 2022. Cho nên, điều mong mỏi trong lúc này là cần tạo điều kiện cho các DN nắm bắt thị hiếu đa dạng của nhiều thị trường, tiếp cận những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Hỗ trợ phát triển thị trường
Trong việc đổi mới cách thức tiếp cận, tạo “đòn bẩy” để đưa hàng Việt vào mạng lưới phân phối nước ngoài thì việc chủ động kết nối giao thương và vai trò hỗ trợ phát triển thị trường của phía cơ quan thương vụ ở nước ngoài là rất quan trọng.
Đơn cử như hồi tháng 6/2023, lô vải thiều tươi của Bắc Giang đã được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại Tp. Houston, Texas (Mỹ). Đó là nhờ vai trò kết nối của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston - Texas và sự phối kết hợp của các DN gốc Việt tại thị trường Mỹ đã đóng vai trò rất tích cực trong các khâu phân phối sản phẩm tại mạng lưới các siêu thị và chợ châu Á.
Hoặc như từ tháng 5/2023, thương hiệu King Coffee của của TNI Corporation (Việt Nam) đã bắt đầu bán hàng trực tiếp vào hệ thống Costco Wholesale - một chuỗi cung ứng bán buôn lớn nhất tại Mỹ. Không chỉ vậy, họ còn có các kế hoạch nhượng quyền thương hiệu, bán hàng trực tiếp vào các chuỗi cung ứng lớn tại Mỹ như Costco, Food Town, Fiesta, các Asian Super Market….và đang hướng tới các chuỗi bán hàng Walmart, H.E.B trong tương lai gần.
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, từ cách đây 2 năm thương hiệu cà phê Việt này có mong muốn mở rộng thị trường tại vùng Nam nước Mỹ. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của chi nhánh thương vụ đã giúp họ tiếp cận được nhiều hiệp hội, DN ngành hàng để quảng bá hình ảnh sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và tạo dựng cơ hội tiếp cận với nhiều đại diện các chuỗi cung ứng lớn, DN Mỹ.
Đứng ở góc độ là người đại diện quản lý kinh doanh của King Coffee tại Mỹ, ông Kelvin Nguyễn bày tỏ điều mong muốn là hàng thương hiệu Việt Nam được XK, bán nhiều hơn sang Mỹ. Và thời gian tới sẽ cùng tham gia hỗ trợ các DN Việt để có sự phối hợp tốt giữa các nhà XK - nhập khẩu - phân phối cho các lô hàng lớn.
“Chúng tôi chia sẻ thông tin thị trường với các đối tác, cùng tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm giúp các DN Việt Nam có nhiều lô hàng XK thành công sang các thị trường lớn như Mỹ, EU…”, ông Kelvin Nguyễn chia sẻ.
Nói tóm lại, dù thị trường XK trên toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ hội để đưa hàng Việt vào những mạng lưới phân phối lớn ở nước ngoài vẫn rất lớn. Điều quan trọng là các DN trong nước phải có sự chủ động đổi mới cách thức tiếp cận với các nhà thu mua quốc tế và sự hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan xúc thương mại, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Theo VnBusiness
https://vnbusiness.vn/viet-nam/tao-don-bay-dua-hang-viet-vao-mang-luoi-phan-phoi-nuoc-ngoai-1093859.html