Tạo thu nhập cho lao động địa phương từ vốn vay giải quyết việc làm
16/07/2024 | Tác giả: Mai Hương Lượt xem: 131
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Bến Lức, tỉnh Long An, anh Đặng Trường Sơn (SN 1984, ngụ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương với nghề may túi xách gia công.
Trước đây, vợ chồng anh Sơn mở một cửa hàng may yên xe Honda, rửa xe Honda ở khu vực gần cầu An Thạnh. Cách đây gần 10 năm, anh Sơn học được nghề may túi xách gia công từ gia đình chị vợ. Vậy là, anh Sơn cùng vợ quyết tâm theo đuổi nghề may túi xách gia công từ những đồng vốn do vợ chồng anh tích cóp được.
Là người kỹ tính, có trách nhiệm nên công việc ngày càng hiệu quả, quy mô mở rộng, anh mua thêm máy may để có thể “chạy” việc, đáp ứng nhu cầu từ đối tác. May mắn, anh được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện Bến Lức với số tiền 50 triệu đồng. Từ số tiền này, anh Sơn mua thêm máy may, tuyển thêm lao động để may.
Nghề may gia công không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tuần là có thể may được.
Theo anh Sơn, may túi xách tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Nếu không khéo tay, dễ làm hàng hỏng, không đạt chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Kim Thảo (ấp 1B, xã An Thạnh) là thợ may túi xách tại cơ sở của anh Sơn khoảng 4 năm nay. Chị Thảo cho biết, chị có một công việc khác cũng liên quan đến nghề may tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức nhưng làm theo ca.
Những lúc không đi làm ca, chị đến nhà anh Sơn làm thêm, mỗi ngày từ 3-4 giờ. Thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/tháng. Từ ngày tham gia may gia công tại cơ sở của anh Sơn, chị Thảo có thêm thu nhập để trang trải kinh tế gia đình, nuôi con đến trường.
Chị Lê Thị Thùy Trang (ấp 5, xã An Thạnh) vừa tham gia may túi xách tại nhà anh Sơn cách nay vài tuần. Trước đây, chị Trang là công nhân của một doanh nghiệp nhỏ nhưng vừa nghỉ để đến cơ sở của anh Sơn may túi xách. Chị Trang hiện có con nhỏ, cần có thời gian chăm sóc, đưa rước đi học, làm việc tại doanh nghiệp, thời gian cố định nên chị khó sắp xếp.
Theo chị Trang, làm tại cơ sở của anh Sơn không cố định về thời gian, buổi sáng, chị có thể làm việc nhà, nấu cơm, đưa con đến trường rồi đi may. Buổi chiều, chị có thể sắp xếp giờ để đón con về nhà rồi tiếp tục công việc may.
Theo anh Sơn, mỗi ngày, cơ sở may có thể hoàn thiện từ 2.000-3.000 túi xách, tùy theo nhu cầu của đối tác. Một sản phẩm hoàn thiện trải qua nhiều công đoạn. Vợ chồng anh không trực tiếp may mà chỉ cắt vải, cắt nguyên liệu, kiểm hàng,...
Do công việc không ràng buộc về thời gian trong ngày nên nhiều chị em đến cơ sở may, cũng có nhiều người mang hàng về nhà may. May ở nhà hay may tại cơ sở thì tiền công cũng không khác nên có thể vừa làm, vừa chăm sóc gia đình.
Anh Sơn cho biết: Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng, hàng tháng, anh trả tiền lãi, tiền vốn và tiền tiết kiệm chưa đến 3 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản vay ngân hàng và các chi phí khác, hàng tháng, gia đình anh có thu nhập vài chục triệu đồng. Số tiền này, anh dành trang trải kinh tế gia đình, tích lũy. “Hết kỳ vay đợt này, nếu thuận tiện, tôi tiếp tục vay vốn từ NHCSXH để đầu tư mua thêm máy may, các trang thiết bị khác, mở rộng sản xuất nếu lượng hàng từ đối tác ổn, từ đó góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn xã” - anh Sơn nói.
Hiện cơ sở may gia công do anh Sơn làm chủ có 7 máy may đặt tại nhà, tạo việc làm tại chỗ cho 7 lao động và khoảng 20 người mang nguyên liệu về nhà may. Bình quân thu nhập của người may từ 5-8 triệu đồng/tháng (tùy đơn hàng do đối tác chỉ định).
Theo bà Võ Thị Ngoan - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 1B, xã An Thạnh (anh Sơn là thành viên vay vốn), cơ sở may gia công của anh Sơn thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo ngay tại quê hương. Do đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã đứng ra hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cơ sở may gia công tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, tổ sẽ tạo điều kiện để cơ sở tiếp tục tiếp cận nguồn vốn chính sách, mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương./.
Theo Báo Long An
https://baolongan.vn/tao-thu-nhap-cho-lao-dong-dia-phuong-tu-von-vay-giai-quyet-viec-lam-a177665.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn