Tạo việc làm ổn định tại chỗ là cách Bắc Kạn giúp nông dân ly nông bất ly hương
29/11/2023 | Tác giả: Chiến Hoàng Lượt xem: 285
Trong những năm qua, Bắc Kạn đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, mô hình hợp tác xã. Từ đó giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hiệu quả từ các mô hình HTX
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát triển, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, mô hình HTX. Việc phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác bước đầu đã giải quyết được một số hạn chế đối với tình trạng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, mánh mun của các hộ cá thể. Đồng thời, đảm bảo được đầu ra cho các sản phẩm của người dân địa phương, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm ở khu vực nông thôn từng bước được giải quyết.
Điển hình có thể kể đến HTX Nhung Lũy ở xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, HTX Nhung Lũy đã xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề, hình thành vùng nguyên liệu với sự liên kết của rất nhiều hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất.
Bà Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết, hiện HTX Nhung Lũy đang tạo công ăn, việc làm cho 25 lao động thường xuyên, hơn 20 lao động thời vụ và tạo việc làm gián tiếp cho 400 hộ dân thông qua việc trồng trọt, chế biến và sản xuất các sản phẩm cho HTX.
Theo bà Nhung, trong quá trình triển khai liên kết, HTX cũng có gặp một số khó khăn. Điển hình như người dân vẫn quen với tập quán canh tác truyền thống, chưa được tập huấn nhiều về canh tác công nghệ cao dẫn đến khó thực hiện quy chuẩn VietGAP.
"Để giải quyết khó khăn, HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho người dân, giúp bà con thực hiện được những tiêu chuẩn mà HTX yêu cầu" - bà Nhung cho biết thêm.
Hay có thể kể đến HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Từ việc sản xuất chế biến cây dược liệu, HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn miền núi, nhiều hộ liên kết trồng dược liệu đã có thu nhập ổn định.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Luân, Giám đốc HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu cho biết, các sản phẩm chế biến từ dược liệu của HTX hiện nay tiêu thụ rất tốt, thậm chí không đủ hàng để cung ứng ra thị trường.
"Việc sản xuất chế biến sản phẩm cao từ dược liệu như cà gai leo, cao gắm… cần rất nhiều nguyên liệu. Do đó, ngoài những lao động thường xuyên, HTX còn mở rộng liên kết với các hộ dân trồng các loại dược liệu, nhờ đó cũng đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn" - ông Luân cho biết thêm.
Hoặc, còn có thể nhắc đến HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) chuyên chế biến và sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ củ nghệ nếp đỏ và nghệ nếp đen. HTX đã tạo việc làm cho hơn 400 hộ dân trong toàn tỉnh thông qua việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên diện tích 150ha cây nghệ nếp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, HTX Nông nghiệp Tân Thành cho hay: "Ngoài việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, HTX còn cung ứng giống trả chậm, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ liên kết trồng cây nghệ nếp. Chúng tôi luôn quan tâm ưu tiên lao động theo mùa vụ là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để họ có cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững".
Tạo việc làm ổn định, giúp người dân "ly nông bất ly hương"
Trong thời qua, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và Trung ương. Qua đó, giúp tạo công ăn, việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc phát triển HTX và kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã bước vào giai đoạn II. Giai đoạn I (năm 2016 - 2020) đã để lại nhiều bài học về xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Ông Huấn nhận định, các mô hình kinh tế tập thể đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các sản phẩm của các HTX hiện đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thậm chí cả nước ngoài.
Tỉnh Bắc Kạn đã có đề án phát triển kinh tế tập thể cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tập trung phát triển HTX theo chiều sâu, mở rộng lĩnh vực hoạt động, quy mô hoạt động và năng lực sản xuất của các HTX.
Giai đoạn II, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn lực cho các HTX, cụ thể là hỗ trợ cho mỗi HTX một cán bộ có trình độ ít nhất từ cao đẳng trở lên. Hỗ trợ nhân lực bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hằng năm, tỉnh Bắc Kạn cũng dành một phần kinh phí cho Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động cho các HTX.
Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định 1934 để sửa đổi, bổ sung Quyết định 1908 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thành lập quỹ hỗ trợ HTX. Việc sửa đổi, bổ sung này hết sức ý nghĩa đối với hỗ trợ HTX. Theo đó, đối tượng thụ hưởng quỹ được mở rộng hơn.
"Thay vì chỉ được vay theo tổ chức HTX thì hiện nay các thành viên HTX cũng được vay. Tiếp nữa là nâng mức vốn vay. Trước đây do quỹ ít nên mức vốn vay chỉ dưới 100 triệu đồng. Còn hiện nay, mức vay đã được nâng lên 15% giá trị vốn điều lệ, đồng thời có cả hỗ trợ tín chấp trong điều kiện và theo quy định của pháp luật. Đây là kênh hỗ trợ nguồn lực rất quan trọng cho các HTX"- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn thông tin thêm.
Cũng theo ông Huấn, mục đích của chính sách nhằm tăng quy mô về mặt thành viên. Khi HTX hoạt động hiệu quả sẽ thu hút được một lực lượng đông đảo lao động khu vực nông thôn, giải quyết được việc làm, khắc phục tình trạng người lao động của tỉnh Bắc Kạn đổ dồn về các khu công nghiệp.
"Khi lao động ở địa phương có thu nhập, năng lực HTX được nâng cao sẽ có sức lan tỏa, cùng với đó là tăng quy mô liên kết HTX, từ đó tạo được quỹ đất sản xuất. Nông dân vừa hưởng lợi từ đất tham gia HTX vừa có thu nhập từ chính công việc mà HTX đem lại, và đó sẽ là yếu tố then chốt, quyết định giữ chân người lao động, đảm bảo được việc 'ly nông bất ly hương ' như chúng ta vẫn đề cập.
Việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn của tỉnh Bắc Kạn đã khẳng định được vai trò và vị thế của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Bắc Kạn", Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn nhận định.
Theo Dân trí
https://danviet.vn/tao-viec-lam-on-dinh-tai-cho-la-cach-bac-kan-giup-nong-dan-ly-nong-bat-ly-huong-20231115145347128.htm