Thận trọng trước lời mời chào mua đất chung trồng sầu riêng
05/07/2023 | Tác giả: Huyền Trang Lượt xem: 275
Hình thức mời gọi nông dân đầu tư đất trồng sầu riêng mang về lợi nhuận “khủng” xuất hiện từ năm ngoái đến năm nay không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng ngành hàng mà còn khiến người dân, thành viên HTX gặp nhiều rủi ro nếu làm theo mà không tìm hiểu kỹ.
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện những bài kêu gọi nông dân, HTX… (gọi chung là nhà đầu tư) bỏ ra số tiền lên đến hàng tỷ đồng để mua chung đất trồng sầu riêng.
Nhiều rủi ro
Theo đó, sau khoảng 5 năm góp vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ lên đến 30-55% mà không cần làm gì cả vì đã có “doanh nghiệp lo”. Hoạt động này cũng được phía mời gọi đầu tư cam kết là an toàn tuyệt đối, không có bất kỳ rủi ro gì bởi nhu cầu thị trường về sầu riêng là vô cùng lớn.
Nếu tìm hiểu sơ qua, tưởng như đây là mô hình "một vốn bốn lời" và cũng là điều kiện thuận lợi để người dân, HTX liên kết với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Đạ M'ri (Lâm Đồng) cho rằng, thực chất đây chỉ là kiểu đưa tiền cho người khác mượn để đầu tư. Nông dân, thành viên HTX vốn thường có sẵn đất nông nghiệp nên ít có nhu cầu bỏ tiền ra mua đất để cùng trồng sầu riêng.
Còn xét về mức lãi lên đến 30- 55%, thực chất điều này là rất khó thành hiện thực, bởi sầu riêng là cây không phải vùng đất nào cũng có thể trồng và cho hiệu quả kinh tế vì phụ thuộc rất nhiều vào thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu thời tiết. Nếu không phù hợp thổ nhưỡng, sầu riêng có thể không cho trái, không mang lại giá trị kinh tế.
Bên cạnh đó, để trồng sầu riêng trong điều kiện bình thường, người dân, HTX cũng phải tốn từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc 1ha. Ngoài ra, còn tiền thuê nhân công, tiền vận chuyển sầu riêng… Vì vậy, việc đơn vị mời chào nói “không có rủi ro và không phải làm gì” được các HTX cho là điều không bình thường.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Phước (Bình Phước) cho rằng, hiện nay muốn có giá trị kinh tế cao thì phải xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Mà muốn xuất khẩu chính ngạch thì người dân, thành viên HTX phải nắm bắt và áp dụng chuẩn chỉnh các yêu cầu kỹ thuật. Nếu không sẽ dễ tiền mất, tật mang vì loại cây này khó chăm sóc, chi phí đầu tư lớn. Thậm chí, sầu riêng lên xe xuất khẩu rồi vẫn có khả năng bị trả về.
“Việc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp từ trước đến nay đều theo hình thức bình đẳng, có lợi cho đôi bên. Nếu không phải làm gì mà vẫn có lợi nhuận thì chắc chắn là điều vô lý”, ông Hiếu chia sẻ.
Cùng với đó, Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam với Trung Quốc chỉ có hiệu lực 3 năm (ký vào tháng 7/ 2022). Nếu tham gia góp vốn mua chung bất động sản trồng sầu riêng trong quãng thời gian này thì 5 năm sau, khi cây ra quả, việc tiếp tục xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hay không rất khó nói.
Trong khi theo thống kê của Cục Trồng trọt, trong Quy hoạch đề ra định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng nhưng đến cuối năm 2022, cả nước đã có hơn 110.000ha sầu riêng, vượt định hướng của Bộ NN&PTNT tới 35.000ha. Nguy cơ khủng hoảng thừa trong tương lai đang hiện hữu.
Cần tỉnh táo
Và nhiều bài học từ khủng hoảng thừa đã xảy ra như việc tăng nóng diện tích hồ tiêu năm 2015. Khi đó, giá hồ tiêu đạt 180.000 -200.000 đồng/kg, nhà nhà trồng tiêu. Nhưng tới khi diện tích trồng mới được thu hoạch, giá tiêu chỉ còn 40.000 đồng/kg. Hay lúc mắc ca đạt 200.000 đồng/kg, rất nhiều nhà vườn đã trồng loại cây này nhưng đến khi thu hoạch, giá chỉ còn trên dưới 30.000 đồng/kg. Và tình trạng bán tháo vườn tược để trả nợ đã xảy ra, hay nông dân rơi vào tình trạng “trồng - chặt”.
Theo các chuyên gia, hình thức kêu gọi góp vốn đầu tư với lợi nhuận từ 30-50% là một hình thức huy động vốn và đã diễn ra nhiều trên thị trường tài chính.
Có thể các nhà mời gọi đầu tư này đang cần vốn để đầu tư trong lĩnh vực tài chính nhưng gặp những khó khăn nhất định nên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, những người làm nông nghiệp để huy động vốn. Trong khi thực tế tình trạng nông dân mở rộng diện tích sầu riêng phục vụ xuất khẩu bùng nổ ở nhiều địa phương nên họ muốn lợi dụng để “mượn tiền”. Sau một thời gian, phía mời gọi đầu tư có thể lợi dụng một điều khoản bất khả kháng nào đó để chấm dứt hợp đồng góp vốn đầu tư với người dân, HTX. Trong khi nông dân, thành viên HTX thường gặp khó khăn trong tìm hiểu hợp đồng, các vấn đề liên quan đến pháp lý nên thường chịu thiệt. Và dù có kiện cáo thì người dân, HTX cũng mất thời gian, công sức, tiền bạc…
Vậy nên, dù là nông dân làm ăn đơn lẻ hay đã liên kết thành các HTX, khi liên kết với doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu và nắm bắt quy luật thị trường. Bởi thường những gì đang ở đỉnh cao như sầu riêng thì có thể sau một thời gian sẽ xuống giá hoặc người dân trồng nhiều, vỡ quy hoạch sẽ khiến thị trường đi ngang. Còn những nông sản nào đang xuống dốc, một thời gian sau giá sẽ tăng trở lại, việc đầu tư có thể có lãi.
Do đó, người dân, thành viên HTX cần tỉnh táo vì qua phân tích đã có rất nhiều rủi ro. Nếu không thận trọng, người dân, HTX sẽ rất dễ rơi vào cảnh khó khăn, mất trắng.
Theo VnBusiness
https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/than-trong-truoc-loi-moi-chao-mua-dat-chung-trong-sau-rieng-1093656.html