Tháo gỡ rào cản, mở đường băng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cất cánh
01/04/2025 | Tác giả: Phùng Hải Lượt xem: 138
Mặc dù doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90% trong tổng số 17.000 doanh nghiệp của toàn tỉnh, song trên thực tế, hoạt động của khu vực doanh nghiệp này luôn gặp phải những khó khăn, thách thức về nguồn vốn, đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất và lao động tay nghề cao. Thực trạng trên đòi hỏi cần có giải pháp, chính sách đột phá để tạo đường băng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cất cánh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số.
Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành, những năm gần đây, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
.jpg)
Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, quy mô, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới khá nhiều nhưng cũng có tới hàng trăm doanh nghiệp rời bỏ thị trường mỗi năm. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặt ra bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hoạt động của khu vực này cũng đang gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: Vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn lao động chất lượng cao… Hơn nữa, trình độ quản lý và trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm, khả năng liên kết tham gia vào chuỗi sản phẩm chưa cao.
Là một trong những cơ sở nuôi cấy, phát triển thành công đông trùng hạ thảo, tạo hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, những năm gần đây, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo tập trung phát triển thị trường online nhằm mở rộng tệp khách hàng, tăng doanh thu. Tuy nhiên, sau nhiều năm thử sức với thị trường mới, kết quả kinh doanh chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.
Theo anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, hợp tác xã hiện có hơn 20 lao động ở nhiều trình độ khác nhau. Để phát triển kinh doanh online, hợp tác xã cần thêm một đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao trong lĩnh vực marketing. Song việc tuyển dụng nhân sự marketing không hề dễ dàng bởi đặc thù là doanh nghiệp quy mô nhỏ nên môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ chưa thể bằng các doanh nghiệp lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, từng bước thay đổi diện mạo và vị thế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý.
Đồng thời, tập trung thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm khách hàng lớn.
Đặc biệt, sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa được tập trung hoàn thiện. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 với tổng kinh phí hỗ trợ trên 213 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục triển khai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tiễn. Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025, các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết việc làm mới cho 7.700 lao động/năm; GRDP tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10 - 15%; nộp ngân sách tăng 7 - 10%/năm.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ưu đãi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc quy định về lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Thông qua hoạt động kết nối, lũy kế đến nay đã có hơn 3.000 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi, dư nợ đạt hơn 30.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 50,58% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Đối với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực như cải thiện chất lượng dạy và học, tăng cường trình độ cho người lao động; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực số, nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo từng lĩnh vực, ngành nghề.
Đồng thời, phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường và gắn kết với doanh nghiệp; tập trung đào tạo các nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc tế và khu vực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa cấp độ, đa ngành nghề; chú trọng đầu tư các ngành nghề là thế mạnh và đáp ứng nhu cầu của tỉnh như cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện điện tử, tin học, dệt may, da giày… Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chủ động thay đổi tư duy, không ngừng đổi mới, đầu tư máy móc hiện đại, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề cạnh tranh trở nên gay gắt, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, cơ chế chính sách đã được Trung ương, tỉnh ban hành về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm khách hàng lớn…
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/KinhTe/View_Detail.aspx?ItemID=12259

"Kết nối không khoảng cách" là thông điệp truyền thông, gắn kết của Nền tảng số Quốc gia VIVINA, những thông tin hữu ích cho cộng đồng luôn được mạng lưới thành viên của chúng tôi cập nhập liên tục 24/7.
Bạn thấy nội dung hữu ích, hãy Tặng Xu để khích lệ cho người cung cấp thông tin. Chúng tôi có chính sách trả nhuận bút chia sẻ thông tin cũng như thưởng lượt view minh bạch cho những đóng góp, chia sẻ nội dung tại trang ĐỊA PHƯƠNG (63 Tỉnh/Thành phố) và chuyên mục KINH TẾ - ĐỜI SỐNG của nền tảng số Quốc gia VIVINA. Tìm hiểu cách thức đăng và gửi nội dung Tại đây. Quy chế thưởng View & Nhuận bút xem Tại đây.
Trân trọng cảm ơn!