Thị trường ô tô cuối năm: Xe sang 'cật lực' đẩy hàng tồn kho
29/11/2024 | Tác giả: Dương Hưng Lượt xem: 122
Thị trường xe được đánh giá sôi động trong mấy tháng qua nhờ hiệu ứng từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Song với dòng xe sang, các hãng xe cho biết sức tiêu thụ vẫn còn yếu do khách hàng dè dặt hơn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn tại nhiều lĩnh vực.
Tăng trưởng 2 con số, nhưng sức mua vẫn yếu
Đến thời điểm này dù các hãng xe sang không công bố số liệu bán hàng từ đầu năm song cuộc đua giữa các thương hiệu vẫn rất nóng bởi các hãng liên tục tung ra các chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu người tiêu dùng dịp cuối năm.
Volvo là hãng xe sang liên tục gia tăng thị phần tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Chia sẻ với PV Tiền Phong, Giám đốc một đại lý Volvo cho biết, đến thời điểm này, doanh số bán hàng của đại lý nhìn chung có sự khởi sắc, khi tăng trưởng từ 25-29% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu do nền tăng trưởng năm ngoái thấp, chứ chưa thể quay trở lại giai đoạn sôi động như năm 2022.
Theo vị này, thị trường xe sang rất nhạy cảm với sức khỏe của nền kinh tế. Năm nay, thị trường bất động sản, chứng khoán vẫn còn nhiều biến động; môi trường kinh doanh còn nhiều yếu tố rủi ro nên người dân cũng dè dặt hơn trong chi tiêu.
“Nhờ chính sách giảm lệ phí trước bạ từ tháng 9, thị trường xe trở nên ấm hơn, song chủ yếu ở phần phân khúc thấp. Thị trường xe sang thời điểm này giống giai đoạn 2020 -2021 khi sức mua còn yếu, nhưng về mặt lợi nhuận sẽ không được như trước. Năm nay các hãng muốn bán xe phải đua nhau tung rất nhiều chương trình khuyến mại”, vị này nói đồng thời tiết lộ: “Mừng nhất là Volvo đã bắt đầu hết tồn kho và lượng xe mới bắt đầu nhập về để bắt đầu một chu kỳ kinh doanh mới”.
Tương tự, thương hiệu Audi , thông thường phải đến cuối tháng 12 hãng mới có thống kê doanh số của năm và bắt đầu rò rỉ một số thông tin về kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, Giám đốc một đại lý Audi tiết lộ, doanh số tăng trưởng của năm nay của Audi cũng ở mức khả quan với 2 con số, nhưng về mặt bằng chung, vị này đánh giá “sức mua đang chậm và người dân có phần thận trọng hơn, nhất là sau đợt bão lũ vừa qua”.
Với Lexus, thương hiệu này lại cho thấy tình hình khá khả quan khi từ tháng 9, lượng xe tiêu thụ liên tục tăng mạnh. Trong tháng 9, có 157 xe Lexus bán ra thị trường, tăng 173% so với tháng trước. Trong tháng 10, thương hiệu xe sang của Toyota tiếp tục bán được 162 xe, và tiếp tục tăng đáng kể trong tháng 11.
Năm ngoái, khi các thương hiệu xe sang đều chìm trong khó khăn, Lexus vẫn tiêu thụ được 149 xe/tháng, giúp cả năm đạt được mức kỷ lục 1.793 xe, cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.
Giám đốc một đại lý Lexus cho biết, với con số giao dịch trong 3 tháng qua, hãng xe sang của Toyota rất có thể sẽ chạm mốc 2.000 xe trong năm nay khi đơn đặt hàng cho RX và LX còn khá dài.
Giảm giá sâu, đẩy hàng tồn kho
Khi sức mua ô tô sụt giảm mạnh từ đầu năm 2024 và nhiều tháng liền rơi vào cảnh ảm đạm, lượng xe tồn kho của một số thương hiệu xe sang như Mercedes, BMW…. vẫn còn khá lớn. Thời điểm này các đại lý đang căng mình chạy doanh số, giảm giá khá mạnh.
Chia sẻ với PV Tiền Phong , Giám đốc Kinh doanh một đại lý Mercedes Benz cho biết, dù đã cuối năm 2024 nhưng Mercedes-Benz vẫn còn xe tồn kho từ 2022 và 2023 chưa giải phóng được. Hãng đang sẵn sàng giảm giá thêm bởi càng để lâu, xe càng mất giá và tốn kém chi phí lưu kho bãi.
Trong những ngày cuối tháng 11, hãng có thị phần xe sang lớn nhất Việt Nam tiếp tục giảm tương ứng 50% lệ phí trước bạ trực tiếp trên giá bán xe mẫu Mercedes-Benz C 200 Avantgarde Plus, năm sản xuất 2023 (ngoài mức giảm 50% lệ phí trước bạ từ chính sách của Nhà nước).
Cùng với đó, hãng công bố giảm giá hàng trăm triệu đồng cho những xe sản xuất năm 2022 tồn kho gồm: Mercedes-Benz C 200 Avantgarde; C 200 Ava Plus; C 300 AMG; E 180; E 200 Exclusive; E 300 AMG; GLE 450 4M; GLB 200 AMG với số tiền giảm từ 210 - 669 triệu đồng. Trước đó, kỷ lục giảm giá đầu năm là mức 719 triệu đồng cho mẫu Mercedes-AMG GT53 4MATIC đời 2022.
Với Subaru – thương hiệu đến từ Nhật Bản đang trong tình cảnh “chạy nước rút” đẩy hàng tồn kho. Hiện với dòng SUV cỡ C, Subaru Forester tiếp tục được hãng và đại lý giảm giá tới khoảng 200 triệu đồng, tùy phiên bản trong tháng 11.
Một thương hiệu khác là Volkswagen , với đặc thù chỉ bán xe nhập khẩu, các sản phẩm đang giảm giá mạnh với mức hàng trăm triệu đồng nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Còn với thương hiệu BMW, sau khi doanh số tăng gấp đôi vào năm ngoái. Sức tiêu thụ của hãng này tiếp tục duy trì đà khởi sắc. Song BMW còn lượng tồn kho lớn, hiện hãng đang ưu đãi 100% lệ phí trước bạ đối với các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc CỦA BMW như BMW 530i M Sport, BMW 430i M Sport Gran Coupe, BMW X4, BMW X6 và BMW X7.
Chia sẻ với PV Tiền Phong , Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu xe sang đánh giá, gần 3 tháng qua chính sách giảm lệ phí trước bạ đã hỗ trợ nhất định với toàn thị trường song số lượng xe bán ra phần lớn nhờ đóng góp của xe điện Vinfast. Sau khi chính sách giảm lệ phí trước bạ hết hiệu lực vào cuối tháng 11, thị trường xe có thể hạ nhiệt trong dịp cuối năm vì hầu hết khách hàng đã tranh thủ mua đợt vừa rồi.
“Với dòng xe sang, thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Các doanh nghiệp đều trông mong vào sự hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế. Khi thị trường bất động sản khởi sắc giúp dòng tiền được luân chuyển, các hoạt động kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu…đồng thời tích cực người dân mới mạnh dạn chi tiêu. Với tình hình này, chúng tôi dự báo ít nhất phải mất tầm 2 năm nữa, thị trường xe sang mới vượt qua khó khăn do ảnh hưởng di chứng từ năm 2023”, vị này cho hay.
Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/thi-truong-o-to-cuoi-nam-xe-sang-cat-luc-day-hang-ton-kho-post1695217.tpo
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn