Thị trường tự động hóa kho hàng sẽ hạ nhiệt
06/01/2023 | Tác giả: Thanh Thư (theo Logistics Management) Lượt xem: 267
Thị trường tự động hóa kho hàng gặp khó khăn trong thời gian qua do chi tiêu lớn của Amazon và các công ty khác có hoạt động thương mại điện tử.
Mức độ tăng trưởng thị trường gần đây được thể hiện chi tiết trong nghiên cứu mới của Interact Analysis. Cụ thể, thị trường tự động hóa kho hàng tăng trưởng 28% vào năm 2021, với doanh thu đạt 36 tỷ USD, tăng từ 28,5 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch đã qua đi và người tiêu dùng trở lại mua trực tiếp khiến tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đang ở mức vừa phải. Một số doanh nghiệp lớn đầu tư cho tự động hóa như Amazon phải giảm quy mô mở rộng.
Các nhà phân tích dự báo tự động hóa kho hàng sẽ chậm lại vào năm 2023, chỉ tăng trưởng 2% nhưng sau đó sẽ trở lại mạnh mẽ hơn vào năm 2027. Theo báo cáo "Tự động hóa kho hàng năm 2022" của Interact Analysis, từ năm 2024 đến năm 2027, thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 19%, nhờ cải thiện các điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như sự tăng trưởng ổn định trong ngành thương mại điện tử.
Rueben Scriven, Giám đốc nghiên cứu của Interact Analysis cho biết: "Chắc chắn triển vọng dài hạn cho ngành tự động hóa kho hàng là rất tốt, nhưng có một số thách thức trong ngắn và trung hạn". Một thách thức lớn là Amazon quyết định sẽ làm chậm lại quá trình xây dựng mạng lưới trung tâm thực hiện đơn hàng. Số liệu cho thấy khoảng 35% tổng thị trường tự động hóa kho hàng vào năm 2021 đến từ Amazon, vì vậy, khi Amazon quyết định giảm tốc độ đầu tư vào tự động hóa sẽ làm thị trường giảm mức tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này không diễn ra tức thì do các mốc thời gian liên quan đến việc triển khai nhiều loại hệ thống tự động hóa.
Ông Scriven cho biết, kết quả cuối cùng của thị trường là doanh thu sẽ vẫn tăng vào năm 2023, nhưng kém năm 2021, phần lớn do tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử khiêm tốn hơn. Các yếu tố khác như lạm phát, chiến sự Nga – Ukraine làm giảm chi tiêu cho tự động hóa ở Đông Âu... cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
"Tôi nhận thấy các công ty đang quá lạc quan về thương mại điện tử, trong khi doanh số bán hàng thương mại điện tử sẽ không còn cao như dự kiến ban đầu. Điều này đang cân bằng lại một số vấn đề trên thị trường", ông Scriven nói.
Bên cạnh đó, về lâu dài, Interact Analysis tin thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển, trong khi các xu hướng khác như sử dụng xe điện (EV) và khuyến khích công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ làm tăng nhu cầu tự động hóa kho hàng trong chuỗi cung ứng EV và pin. Ông Scriven chia sẻ thêm, tại thị trường Mỹ, xu hướng reshoring (quá trình trả lại sản xuất) và near-shoring (tìm kiếm gần) cũng có khả năng làm tăng nhu cầu tự động hóa kho hàng. Những xu hướng này sẽ giúp các nhà cung cấp tự động hóa và các nhà tích hợp hệ thống tìm được nhiều khách hàng hơn trong các lĩnh vực hàng hóa lâu bền.
Đối với các nhà cung cấp, vị chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa sang các lĩnh vực ngoài thương mại điện tử sẽ giúp tăng trưởng ổn định hơn. Ngoài ra, các giải pháp phần mềm không nhất thiết phải kết hợp với các dự án phần cứng tự động hóa mới, nhưng có thể được sử dụng để phối hợp các hệ thống hiện có hoặc giúp tối ưu hóa các quy trình kho hàng thủ công. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên sự khác biệt, cho phép các nhà cung cấp giải pháp tích hợp giành được quyền kinh doanh.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, về lâu dài, các công ty nên tiếp tục đầu tư vào tự động hóa kho hàng để giúp các hoạt động thương mại điện tử nhanh và tiết kiệm chi phí hơn.
Theo Vnexpress
https://vnexpress.net/thi-truong-tu-dong-hoa-kho-hang-se-ha-nhiet-4556662.html