Thủ đoạn lừa đảo mới: Xuất hiện “shop ảo” đánh cắp thông tin rồi “tráo hàng”
18/05/2022 | Tác giả: Đỗ Nga Lượt xem: 952
Thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng cụ thể ở đây là khi khách hàng đặt hàng, thanh toán tiền đầy đủ, song sản phẩm không đúng mẫu mã, chủng loại.
Không cho xem hàng trước
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện nhiều sàn thương mại điện tử thu hút lượng khách hàng lớn như: Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shopee….
Với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua thương mại điện tử hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo.
Đơn cử như vừa qua, theo thông tin phản ánh của anh Quang Anh ở quận 4 (TP Hồ Chí Minh), ngày 3/5, anh đặt mua bộ đồ chơi cho con là chiếc khiên đồ chơi bằng nhựa trên trang thương mại điện tử Shopee.
Đến ngày 6/5, anh nhận được bưu phẩn, sau khi mở ra thì bất ngờ bên trong là cục xà bông, sản phẩm không đúng với cái anh đặt mua. Điều đáng lưu ý là trên gói hàng ghi dòng chữ “không cho xem hàng trước khi thanh toán tiền”.
Anh Quang Anh đã gọi liền cho người vừa giao hàng, nhưng người này nói chỉ có nhiệm vụ giao hàng và không biết gì bên trong.
Sau đó, anh Quang Anh liên hệ với đại diện shop bán hàng đồ chơi trẻ em trên Shopee và công ty giao hàng để làm rõ vấn đề. Theo anh Quang Anh, nơi bán sản phẩm cho biết, có thể đơn hàng này bị lộ thông tin cho kẻ xấu rồi họ tạo gói hàng giả gửi cho anh. Số điện thoại và địa chỉ không phải của nơi anh đã đặt hàng.
Trong hệ thống Shopee bên nhận giao hàng cho đơn này là Shopee Express, còn trên phiếu giao hàng cho anh Quang Anh ghi là GHN. Shopee kiểm tra và cho biết đơn hàng anh Quang Anh đặt đang trung chuyển và chưa giao cho khách. Đến ngày 8/5, anh nhận được sản phẩm đúng như đã đặt trên trang Shopee là chiếc khiên đồ chơi bằng nhựa.
Anh Quang Anh liên hệ với đơn vị giao hàng là Công ty dịch vụ giao hàng nhanh thì được biết, khoảng một tuần qua, có khoảng 100 khách hàng phản ánh về shop này lừa đảo, có người đã đến quậy ở bưu cục và hành hung nhân viên tại đây vì cho rằng giao hàng không đúng, lừa khách hàng hoặc đánh tráo sản phẩm.
“Thông tin khách đặt hàng trên Shopee bị lộ dẫn đến bên thứ ba nhân cơ hội này tạo đơn hàng giống như vậy và gửi cho khách là một sản phẩm khác. Trường hợp này công ty đã chặn phiên chuyển khoản đến shop này”, đại diện Công ty này cho biết.
Anh Quang Anh thắc mắc không hiểu làm thế nào mà thông tin của anh bị lộ lọt ra ngoài khi đặt mua hàng online, thông tin đơn hàng giống như anh đã đăng ký trên Shopee. Chính xác từ sản phẩm đến mã giảm giá, mà ở đây anh sử dụng tới 2 mã giảm giá và số tiền phải thanh toán
Liên hệ với Shopee, anh Quang Anh được một nhân viên cho biết, đã nắm được nội dung phản ánh này từ shop bán sản phẩm cho anh và đang được xử lý, khi có kết quả sẽ báo cho anh biết.
Tương tự, trường hợp của chị Nguyễn Thu Hà, tại Cầu Giấy, Hà Nội xảy ra mới đây khi chị Hà đặt mua hàng của một shop trên sàn thương mại điện tử Shopee. Sau khi nhận hàng và trả tiền, chị Hà phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà chị đã đặt.
Ngay lập tức chị đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn thương mại điện tử thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của chị đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Một vụ việc khác là của anh Nguyễn Thế Anh, tại TP. Hồ Chí Minh. Anh cũng đặt mua một đôi giày trên gian hàng của một sàn thương mại điện tử với giá 900.000 đồng. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Anh tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền.
Khi bóc kiện hàng ra, anh Nguyễn Thế Anh phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh Nguyễn Thế Anh đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn thương mại điện tử và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.
Người tiêu dùng được phép kiểm tra hàng trước khi thanh toán
Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình. Theo các cơ quan chức năng, hiện nay không chỉ thông tin cá nhân khách hàng bị sử dụng trái phép, dẫn tới hàng loạt các vụ lừa đảo xảy ra, việc mua hàng trực tuyến (đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội) khi chưa có đủ thông tin về người bán hoặc người bán không đủ độ tin cậy cũng đứng trước nguy cơ bị lừa đảo tài sản.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tuân thủ các quy định (Nghĩa vụ của người tiêu dùng) tại Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...
Ngoài ra, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Chia sẻ thêm vấn đề này, đại điện Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, điều quan trọng là chính người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác.
Để phòng tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng.
Đặc biệt, khi phát hiện shop ảo lừa khách hàng, chiếm đoạt tài sản, phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Theo Báo Công Thương
https://congthuong.vn/thu-doan-lua-dao-moi-xuat-hien-shop-ao-danh-cap-thong-tin-roi-trao-hang-178076.html