Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
28/06/2024 | Tác giả: Nguyễn Yến Lượt xem: 79
Ngày 28/2/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, phát sinh những tồn tại, vướng mắc cần có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Ngay sau khi Nghị quyết số 128/2020-HĐND ban hành, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai, thực hiện; tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 20,5 tỷ đồng cho 336 lượt HTX, doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho 5 HTX đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thành lập tháng 7/2017, HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đang liên kết sản xuất 30 ha dâu tây. HTX chú trọng tìm kiếm các giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tây, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật triển khai các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2020, HTX được hỗ trợ 70 triệu đồng từ Nghị quyết 128/NQ-HĐND để đầu tư bao bì đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ. Đồng thời, HTX đầu tư thêm nhà sơ chế và kho lạnh để bảo quản sản phẩm, bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, chia sẻ: Việc được hỗ trợ đầu tư bao bì đáp ứng các yêu cầu, như bắt mắt, có nhiều hiệu ứng, thu hút khách hàng, bảo đảm chất lượng nông sản, giúp HTX quảng bá sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, dâu tây của HTX đã có mặt tại 33 siêu thị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có nhiều mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành khác. Ngoài ra, mỗi năm, HTX còn liên kết bao tiêu hàng nghìn tấn dâu tây cho các hộ xung quanh vùng.
Còn Chị Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, cho biết: HTX có 13 ha thanh long ruột đỏ trồng theo quy trình VietGAP, đã được cấp mã số vùng trồng. Sản lượng trung bình đạt 200 tấn/năm. Việc được hỗ trợ 120 triệu đồng xây dựng nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác giúp sản phẩm của HTX có giá bán cao hơn, được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng.
Vẫn còn điểm nghẽn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn tồn tại, hạn chế. Đó là kết quả hỗ trợ thực hiện chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, số doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ chưa nhiều. Một số nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết chưa được thực hiện, như: Hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất tiền vay dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản...
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng đối với các đối tượng thuộc nghị quyết là 4.262 tỷ đồng, chiếm 19,21% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và bằng 10,84% tổng dư nợ toàn địa bàn. Có 230 khách hàng được vay vốn, trong đó có 7 HTX và 223 doanh nghiệp.
Ông Lê Cao Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thông tin: Phần lớn các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính và trình độ quản lý của còn hạn chế; vốn tự có, tài sản chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng, hoặc chỉ đủ điều kiện vay với số tiền chưa đáp ứng mong muốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX chưa thực sự quan tâm, chú trọng tới việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn để được thụ hưởng quyền lợi khi nhà nước, chính quyền địa phương ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại huyện Yên Châu, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh, huyện mới chỉ giải ngân hỗ trợ mua bao bì, nhãn mác đóng gói sản phẩm đi tiêu thụ cho 28 HTX, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng và hỗ trợ tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP 24 HTX, tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Đối với các nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ liên kết sản xuất, các HTX khó tiếp cận vì quy trình thủ tục phức tạp; thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và thực hiện hỗ trợ do các sở, ngành của tỉnh thực hiện, do đó các HTX có nhu cầu chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn của các ngân hàng yêu cầu cần có tài sản thế chấp, trong khi đó hầu hết các HTX đều không được cấp đất, không chứng minh được tài sản chung để thế chấp. Đây là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp phát triển
Sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 128/2020 của HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Sơn La đang tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về nội dung, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND tới các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, triển khai có hiệu quả nguồn kinh phí giao hằng năm theo các quyết định của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố khảo sát, rà soát, xây dựng, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp sinh thái; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao
Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực các doanh nghiệp, HTX, nông dân kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử, thị trường, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển liên kết theo chuỗi để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.
Theo báo Sơn la
https://baosonla.org.vn/kinh-te/thuc-hien-tot-cac-chinh-sach-khuyen-khich-dau-tu-vao-nong-nghiep-slmqam8Sg.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn