Tiêu thụ nhiều nhất thế giới, Trung Quốc săn lùng mặt hàng này của Việt Nam dù giá đắt đỏ: Thu về 430 triệu USD trong quý 1, nước ta cạnh tranh với Thái Lan thống trị thị trường
14/04/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 205
Riêng trong tháng 3, mặt hàng này đã thu về hơn 142 triệu USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 đạt 314.862 tấn, tương đương trị giá hơn 142 triệu USD, tăng mạnh 45,1% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với tháng 2/2024. Lũy kế trong quý 1/2024, sắn và các sản phẩm liên quan đã thu về hơn 430 triệu USD với 944.936 tấn, giảm nhẹ 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Giá trung bình đạt 455 USD/tấn, tăng mạnh 20% so với cùng kỳ.
Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục duy trì là nhà nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam với 890.554 tấn, tương đương hơn 400 triệu USD, tăng nhẹ 1% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 94% sản lượng xuất khẩu của nước ta.
Giá xuất khẩu đạt bình quân 449 USD/tấn, tăng tương ứng 20%.
Không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Trung Quốc cũng chính là quốc gia tiêu thụ sắn lớn nhất trên thế giới, trong đó Trung Quốc chủ yếu mua sắn và sản phẩm sắn của Thái Lan, Việt Nam.
Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô, trong đó cung cấp sắn lát khô lớn thứ hai cho Trung Quốc. Lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 88% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 93% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sở dĩ Trung Quốc mua nhiều sắn và sản phẩm từ sắn nhiều nhất thế giới là vì ngoài sản xuất ethanol, với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Nam Mỹ gặp khó khăn do thời tiết bất lợi nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu sắn sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó phải kể đến Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan (TQ), Phillippines, Hàn Quốc,…
Việt Nam hiện có có 528.000 ha sắn. Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn thu hoạch của cả nước. Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu chỉ sau Thái Lan.
Trong năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Riêng mặt hàng sắn đã mang về hơn 231 triệu USD với 821,51 nghìn tấn, tăng 8% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với năm 2022. Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/tieu-thu-nhieu-nhat-the-gioi-trung-quoc-san-lung-mat-hang-nay-cua-viet-nam-du-gia-dat-do-thu-ve-430-trieu-usd-trong-quy-1-nuoc-ta-canh-tranh-voi-thai-lan-thong-tri-thi-truong-54891.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn