Tìm đường đưa thanh long sang Ấn Độ, Pakistan
04/08/2021 | Tác giả: Admin Lượt xem: 314
Ngày 5/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021.
Sự kiện nhằm hỗ trợ các địa phương trồng thanh long, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thanh long cập nhật về xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường và kết nối với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ và Pakistan.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút sự tham gia của trên 60 đại diện đến từ những địa phương trồng thanh long và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan. Hội nghị sẽ diễn ra trên nền tảng Zoom và Facebook, trong đó, 3 điểm cầu chính được đặt tại Hà Nội, New Delhi (Ấn Độ) và Islamabad (Pakistan).
Tham gia Hội nghị, đại diện Cục XTTM, các Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Pakistan, tỉnh Bình Thuận và chuyên gia hỗ trợ nhập khẩu thanh long tại Ấn Độ sẽ giới thiệu về tiềm năng xuất khẩu quả thanh long và sản phẩm từ thanh long Việt Nam; xu hướng tiêu thụ thanh long của hai thị trường tiềm năng Ấn Độ và Pakistan, các biện pháp xúc tiến xuất khẩu thanh long hiệu quả sang các thị trường này.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng thanh long của Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi những khó khăn, vướng mắc, đề xuất nguyện vọng với cơ quan quản lý nhà nước để xuất khẩu thanh long được thuận lợi. Doanh nghiệp có thể hỏi đáp trực tuyến với các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Pakistan để nắm bắt được thông tin thị trường cũng như những quy định đối với mặt hàng thanh long tại các nước sở tại. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội giao thương trực tuyến với các nhà nhập khẩu, phân phối thanh long của Ấn Độ và Pakistan.
Thanh long được trồng ở một số tỉnh, thành của Việt Nam nhưng tỉnh Bình Thuận được coi là “thủ phủ” của loại trái cây này. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 33.750ha canh tác cây thanh long, trong đó diện tích thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 11.000ha, GlobalGAP đạt 517ha. Năm 2020, sản lượng thanh long thu hoạch đạt gần 700.000 tấn.
Thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, phần ít còn lại là xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau: Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand… Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Một số cửa khẩu ngừng thông quan trong một số thời điểm để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua Cục XTTM đã tổ chức nhiều chương trình giao thương trực tuyến cho các loại nông sản của Việt Nam vào vụ thu hoạch. Điển hình vừa qua, Cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công chương trình kết nối giao thương cho quả vải của tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, quả nhãn của tỉnh Hưng Yên, Sơn La và một số tỉnh khác. Thông qua các chương trình, nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi của Việt Nam, đã cập bến đến một số thị trường khó tính và triển vọng như Hà Lan, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Singapore, Malaysia…
Với kinh nghiệm kết nối giao thương trực tuyến trong đa dạng các lĩnh vực, trong đó có nông sản, Cục XTTM kỳ vọng Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021 hứa hẹn sẽ tiếp tục góp phần kết nối, đưa trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng mở rộng xuất khẩu tại hai thị trường này trong thời gian tới.
Theo Công thương