TP Hồ Chí Minh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
16/11/2023 | Tác giả: Hoàng Mẫn Lượt xem: 250
TP Hồ Chí Minh xác định, đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Sáng 16/2, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực hành chính công, trong đó các địa phương chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các dịch vụ công. Trong khi đó, trình độ công nghệ của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp từng bước được nâng cao và cải thiện qua từng giai đoạn. Tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu ngày càng giảm, tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình và trung bình tiên tiến ngày càng tăng. Từ đó cho thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đi từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất sản phẩm đã đem lại hiệu quả.
TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng. Thành phố đã tổ chức huấn luyện, tư vấn về đổi mới sáng tạo, năng suất, chất lượng, quản lý năng lượng và quản trị tài sản trí tuệ cho khoảng 25.000 doanh nghiệp; hỗ trợ gần 1000 doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến công nghệ hiện đại hóa thiết bị sản xuất ở nhiều lĩnh vực; hỗ trợ 214 doanh nghiệp thành lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp với số tiền trích Quỹ 4.274 tỷ đồng; hỗ trợ 288 dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 22.886 tỷ đồng…
TP Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong giai đoạn 2016- 2020, TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời là địa phương tiên phong trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ban hành nhiều chính sách đột phá nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp. TP hình thành mô hình không gian hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đánh dấu sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Đã thực hiện kết nối 34 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, đưa vào hoạt động mô hình Innovation Lab, Openlab…
Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị chung của TP Hồ Chí Minh xét trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là 18,85%/năm, có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2016 (15%/năm). Trong đó, tổng chi phí mua sắm máy móc thiết bị trung bình khoảng 20.600 tỷ đồng/năm. Hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2012-2021 đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế thành phố. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Trong giai đoạn 2011 - 2021, năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cao gấp 1,7 lần so với cả nước. Kể từ năm 2017 đến nay, TP Hồ Chí Minh luôn nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Thời gian tới, với quan điểm TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, ngành khoa học và công nghệ thành phố; hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo Thành phố…
TP Hồ Chí Minh xác định, đến năm 2025, trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của thành phố, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2030 đạt từ 50% trở lên.
Thành phố chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên, trong đó chỉ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm từ 65% trở lên. Đến năm 2030 có 5 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
Thành phố sẽ tập trung đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. Thúc đẩy đào tạo, phát huy nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển thành phố; thực hiện tốt việc sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài.
Hội nghị đã lắng nghe các địa phương, đơn vị chia sẻ về những kết quả trong thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những mặt còn hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố có nhiều giải pháp nhưng phát triển khoa học và công nghệ vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị của thành phố và chưa thực sự trở thành động lực phát triển.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, trong đó tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng khoa học và công nghệ, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; phát triển thị trường khoa học và công nghệ và sở hữu trí tuệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo.../.
Theo Dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/thoi-su/tp-ho-chi-minh-ung-dung-manh-me-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-631742.html