TP.HCM trảm dự án, lấy đất hút “đại bàng” công nghệ cao

TP.HCM trảm dự án, lấy đất hút “đại bàng” công nghệ cao

14/11/2023 | Tác giả: Lê Quân Lượt xem: 272


TP.HCM đang tiến hành thu hồi các dự án chậm triển khai tại Khu công nghệ cao để chuẩn bị thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử, vi mạch, bán dẫn.

TP.HCM trảm dự án, lấy đất hút “đại bàng” công nghệ cao
Một khu đất để trống nhiều năm tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Quân

Cương quyết “trảm” dự án chậm tiến độ

Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút các dự án công nghệ cao từ doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu khi hàng loạt tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một số tỉnh phía Nam. Câu hỏi đặt ra là lúc này là, các địa phương đang làm gì để thu hút nhà đầu tư lớn với các dự án công nghệ cao.

Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, nơi có Khu công nghệ cao được coi thành công nhất cả nước đang có động thái quyết liệt trong việc thu hồi dự án chậm triển khai để lấy đất thu hút nhà đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao. Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) có khá nhiều dự án đã đăng ký đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng chưa xây dựng nhà máy, dẫn đến đất bỏ trống, lãng phí.

Theo thông báo Kết luận thanh tra số 102/TB-TTTP-P5 của Thanh tra TP.HCM công bố cách đây chưa lâu, Ban Quản lý SHTP thời kỳ từ năm 2018 - 2020 thiếu kiểm tra, đôn đốc khi để chủ đầu tư của 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, thấp nhất là 1 tháng, nhiều nhất là 63 tháng (tính đến thời điểm tháng 7/2021). Dựa trên kết quả thanh tra, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý SHTP rà soát và xử lý theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đối với 11 dự án dở dang, chưa triển khai thực hiện đầu tư để đất trống gây lãng phí.

Mới đây, Ban Quản lý SHTP có Văn bản số 1261/ KCNC-XTĐT báo cáo UBND TP.HCM về việc xử lý 2,52 ha đất chưa đầu tư của Tập đoàn Nidec. Theo báo cáo của SHTP, đến nay, Tập đoàn Nidec đã đầu tư 5 nhà máy sản xuất tại Khu Công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 524,8 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay còn 2,52 ha trong tổng số 33 ha tại (Lô I-1b-2) Tập đoàn Nidec chưa đầu tư dự án.

Điều đáng nói là, căn cứ theo Mục 5, Phụ lục hợp đồng khung về đầu tư đã được hai bên ký kết, thì thời hạn 10 năm đã kết thúc kể từ ngày 25/2/2015. Có nghĩa là, 2,52 ha đất của Tập đoàn Nidec đến nay đã trễ hạn gần 10 năm mà chưa đầu tư.

Sau khi gửi văn bản và làm việc với nhà đầu tư, Ban Quản lý SHTP căn cứ vào Phụ lục hợp đồng đã đưa 2,52 ha tại Lô I-1b-2 vào danh mục kêu gọi đầu tư các dự án mới thuộc lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

Một dự án cũng để đất trống nhiều năm tại SHTP là Dự án Công viên Sài Gòn Silicon đang được TP.HCM làm thủ tục thu hồi. Dự án này có diện tích lên đến 52 ha dù đã được bàn giao đất từ đầu năm 2016, song dự án triển khai rất chậm. Kể từ năm 2019 đến nay, dự án gần như dừng lại, không đầu tư xây dựng, tại công trường không có công nhân làm việc. Trước sự chậm trễ của dự án, UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với SHTP, đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với Dự án Công viên Sài Gòn Silicon trong năm 2023.

Sẵn sàng đón nhà đầu tư tầm cỡ

Đầu tháng 7/2023, Ban Quản lý SHTP ban hành Danh mục đầu tư vào SHTP năm 2023 (Quyết định số 178). Theo danh mục được công bố, có 8 lô đất hiện đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để đón nhà đầu tư. Trong Danh mục, SHTP cũng nêu rõ, các dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử vi mạch, bán dẫn và các dự án dịch vụ công nghệ cao.

Có một thông tin rất quan trọng được đưa vào Danh mục kêu gọi đầu tư là các tiêu chí mà nhà đầu tư phải đáp ứng. Ví dụ, dự án điện tử, vi mạch bán dẫn thì công nghệ của dự án phải thuộc danh mục công nghệ cao theo Quyết định số 38/2020 của Chính phủ; dự án phải chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển đạt trên 80% tổng chi cho hoạt động của dự án… Điều này có nghĩa, các dự án không đáp ứng được các tiêu chí đưa ra thì mặc nhiên sẽ không thể đầu tư vào SHTP.

Với việc đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng, cho nên ngay sau khi công bố Danh mục đầu tư đã có khá nhiều nhà đầu tư, nước ngoài quan tâm đầu tư tại đây. Chỉ sau 3 tháng công bố, Ban Quản lý SHTP đã cấp giấy phép đầu tư cho dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan (Công ty BESI). Dự án này có số vốn đầu tư 4,9 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý SHTP, để chuẩn bị nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp đến đầu tư, SHTP đã ra mắt Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn với mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch.

Khu công nghệ cao TP.HCM xác định sẽ lấy chất lượng nhân lực là một trong những lợi thế để thu hút đầu tư bởi các dự án công nghệ cao luôn đòi hỏi phải có nhân lực trình độ cao. Khi đã sẵn sàng các nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, tạo giá trị lan tỏa.

Theo Báo Đầu Tư 

https://baodautu.vn/tphcm-tram-du-an-lay-dat--hut-dai-bang-cong-nghe-cao-d202265.html


Chia sẻ trên

14/11/2023 | Tác giả: M.Hiệp

Khai mạc Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023

Tối 8/11, Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023 đã khai mạc tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TPHCM).

14/11/2023 | Tác giả: Tố Dung

Trung tâm Tin học TP.HCM tuyển dụng viên chức đợt 2 năm 2023

Trung tâm Tin học TP.HCM tuyển dụng viên chức đợt 2 năm 2023, như sau:

14/11/2023 | Tác giả: KHÁNH TRÌNH

Xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia. Đến nay, đơn vị này đã định hình và tạo được rất nhiều dấu ấn, là mô hình được xem như hình mẫu để nhân rộng ra cả nước.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...