Trái mướp có nhiều công dụng chữa bệnh rất độc đáo
06/05/2024 | Tác giả: HÀ LINH Lượt xem: 205
Mướp không chỉ làm nên món ăn, kết hợp mồng tơi, rau đay nổi tiếng ngày hè mà còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Từ mướp có thể chế được nhiều món ăn, đồ uống có công dụng giải khát và chữa bệnh.
Phòng chữa được nhiều bệnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nói đến mướp người ta thường nghĩ ngay đến món canh giải nhiệt với vài quả cà pháo chín tới giòn tan trong những ngày hè oi ả... Nhưng chắc chắn nhiều người chưa biết rằng từ quả mướp còn có thể dùng chữa nhiều bệnh.
Theo dinh dưỡng hiện đại, cứ mỗi 100g mướp có chứa 95,1g nước, 0,9g protid, 0,1g lipid, 3g glucid, 0,5g xeluloza, 0,5g chất tro, 28mg canxi, 45mg photpho, 0,8mg sắt, 160mcg betacaroten, 0,04mg vitamin B1, 0,06mg vitamin B2, 8mg vitamin C và một số chất như luffein, citruline, cucurbitacin...
Theo dược học cổ truyền, mướp vị ngọt, tính mát, vào được hai kinh Can và Vị, có công dụng sinh tân, chỉ khái, thanh nhiệt, hóa đàm, lương huyết, giải độc, an thai, thông sữa.
Loại trái này thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, ho suyễn nhiều đờm (viêm họng, viêm phế quản), trĩ băng lậu, khí hư, huyết lâm (viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm bể thận), mụn nhọt, ung thũng, sản phụ sữa không thông, táo bón...
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thành phần dinh dưỡng trong mướp có tác dụng chữa nhiều bệnh:
- Giảm viêm khớp: Hàm lượng đồng trong mướp cung cấp một chất chống viêm hữu ích để làm dịu tình trạng cứng và đau do viêm khớp.
- Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Mangan có trong mướp là một yếu tố quan trọng trong việc sản xuất các enzym tiêu hóa có ích cho quá trình tạo gluconeogenesis. Nghiên cứu cho thấy mangan có thể thúc đẩy bài tiết insulin, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Ngăn ngừa đau cơ: Kali là khoáng chất thiết yếu giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng cơ bắp. Mức độ kali không đủ có thể gây ra các triệu chứng như chuột rút, co cứng và đau nhức cơ bắp.
Với khoảng 453mg kali có trong mỗi 100g mướp, thêm mướp vào bữa ăn hằng ngày là cách tốt để cung cấp lượng kali cần thiết, giúp ổn định chất lỏng và thư giãn các cơ, ngăn ngừa chuột rút, cơn đau và co thắt ở các cơ, đau nhức cơ bắp.
- Ngăn ngừa thiếu máu: Vitamin B6 đóng vai trò không thể thiếu sản xuất huyết sắc tố, cần thiết cho việc vận chuyển oxy tới các tế bào cũng như quản lý lượng sắt trong cơ thể.
- Phòng ngừa bệnh về mắt: Thoái hóa điểm vàng là một vấn đề về mắt có thể dẫn đến mù lòa. Hàm lượng vitamin A dồi dào trong mướp rất hữu ích để ngăn ngừa các vấn đề về mắt và loại quả này cũng là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời nhất trong số các loại rau củ.
- Hỗ trợ giảm chứng đau nửa đầu: Mướp còn có một khả năng thần kỳ là giải quyết các cơn đau liên quan đến chứng đau nửa đầu. Bởi trong mướp có một lượng magiê hữu ích, giúp cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể.
"Công thức sinh tố mướp" giải khát chữa bệnh
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh ngoài chế biến món ăn, y học cổ truyền còn dùng mướp để chế ra được khá nhiều đồ uống có công dụng giải khát chữa bệnh rất độc đáo.
Mướp ép: Mướp tươi 500g, đường trắng vừa đủ. Mướp rửa thật sạch, cắt nhỏ, ép lấy nước (nếu dùng máy ép là tốt nhất) rồi hòa với đường trắng, dùng làm nước giải khát trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + mướp đắng: Mướp tươi 500g, khổ qua 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khổ qua bỏ ruột, rửa sạch, thái vụn rồi ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: giải thử nhiệt, làm sáng mắt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + khế: Mướp tươi 500g, khế 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái, là loại đồ uống rất giàu sinh tố và các nguyên tố vi lượng, dùng làm nước giải khát mùa hè rất tốt.
Mướp + củ cải: Mướp tươi 500g, củ cải 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp và củ cải gọt vỏ, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, dùng làm nước giải khát trong ngày. Công dụng: hành khí lợi niệu, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + rau cần tây: Mướp tươi 500g, rau cần tây 100g, một chút muối ăn. Mướp gọt vỏ rửa sạch, thái miếng. Rau cần rửa sạch, cắt đoạn. Hai thứ đem ép lấy nước, lọc qua vải sạch, pha thêm một chút muối, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: bình can, hạ huyết áp, thanh nhiệt trừ phong, nhuận phế, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + nước dừa: Mướp tươi 500g, nước dừa 500ml. Mướp gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, hòa với nước dừa, dùng làm nước giải khát trong ngày. Công dụng: giải thử nhiệt, làm sáng mắt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + sữa: Mướp tươi 100g, sữa bò tươi 500ml. Mướp gọt vỏ rửa sạch, thái vụn rồi ép lấy nước, hòa với sữa tươi, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: bồi bổ sức khỏe, thanh nhiệt, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Mướp + chanh và táo: Mướp tươi 300g, táo tây 200g, chanh 50g, đường phèn lượng vừa đủ. Mướp và táo gọt vỏ, rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa với nước chanh và đường phèn, dùng làm nước giải khát trong ngày.
Công dụng: bổ dưỡng, lợi tiểu, thanh nhiệt, bình can, giáng áp, dùng làm nước giải khát rất tốt cho những người bị cao huyết áp, viêm thận, viêm gan.
Mướp + hành tây: Mướp tươi 200g, hành tây 20g. Mướp và hành tây bỏ vỏ, thái vụn, ép lấy nước, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: giải độc sung dương, hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái.
Lưu ý khi dùng mướp
- Những người tỳ vị hư yếu hay đau bụng, đại tiện phân thường xuyên lỏng hoặc nát thì không nên ăn và những người liệt dương thì không được ăn nhiều.
- Không nên nấu mướp với cá chạch. Mướp chứa lượng vitamin B1 dồi dào, trong khi đó cá chạch lại chứa enzyme có khả năng phá hủy vitamin B1. Nếu ăn cùng nhau, enzyme trong cá chạch có thể làm giảm lượng vitamin B1 trong mướp, làm suy giảm giá trị dinh dưỡng của chúng đối với cơ thể.
- Không nấu mướp với rau chân vịt: Rau chân vịt cùng với mướp đều có tính chất mát và chứa nhiều chất xơ. Nếu tiêu thụ cả hai cùng một lúc có thể kích thích nhu động ruột quá mức và dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng hay tiêu chảy.
Thêm vào đó, rau chân vịt có hàm lượng axit oxalic, trong khi mướp lại giàu canxi. Sự kết hợp của chúng có thể dẫn đến sự hình thành canxi oxalat, một hợp chất khiến cho việc hấp thụ canxi trở nên khó khăn hơn.
- Tránh củ cải trắng: Củ cải trắng cùng với mướp, khi ăn chung, cả hai thực phẩm này đều có tính lạnh có thể gây ra cảm giác lạnh trong bụng và đau bụng do tính hàn của chúng.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/trai-muop-co-nhieu-cong-dung-chua-benh-rat-doc-dao-20240505215540332.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn