Tranh luận trái chiều về vé tham quan Di tích Huế đắt hay rẻ?
21/03/2022 | Tác giả: Nguyễn Tuấn Lượt xem: 623
Thời gian qua, có thông tin cho rằng vé tham quan tại khu vực Hoàng cung Huế (Đại nội Huế) đắt nhưng thiếu các dịch vụ bổ trợ, công tác hướng dẫn du khách còn hạn chế… Vấn đề này đã thu hút nhiều ý kiến khác nhau từ đơn vị quản lý đến du khách.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, việc áp dụng giá vé tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua tại Nghị quyết số 14/2019. Theo đó, giá vé tham quan các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế áp dụng thống nhất cho du khách quốc tế và người Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2022 giá vé bao gồm: phí tham quan từng điểm Hoàng cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế) là 200.000 đồng (40.000 đồng đối với trẻ em từ 7 - 12 tuổi); các khu di tích Lăng vua Minh Mạng, Lăng vua Tự Đức, Lăng vua Khải Định là 150.000 đồng (30.000 đồng đối với trẻ em); các khu di tích Lăng vua Gia Long, Lăng vua Thiệu Trị, Lăng vua Đồng Khánh, Điện Hòn Chén, Cung An Định, Đàn Nam Giao là 50.000 đồng (trẻ em được miễn phí); phí tham quan tuyến 3 điểm: Hoàng cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Khải Định là 420.000 đồng (trẻ em là 80.000 đồng); tuyến 4 điểm: Hoàng cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Tự Đức - Lăng vua Khải Định là 580.000 đồng (trẻ em 100.000 đồng); tuyến gộp các điểm di tích (tham quan tất cả các điểm di tích) là 580.000 đồng (trẻ em là 110.000 đồng).
Bên cạnh đó, giảm phí tham quan 50% cho người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi; sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do nhà trường tổ chức tham quan ngoại khóa hàng năm; miễn vé 3 ngày dịp Tết Nguyên đán, ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3) và ngày Quốc khánh (2/9)…
Liên quan đến việc khi du khách mua vé tham quan Hoàng cung Huế, nhân viên bán vé không hướng dẫn cho du khách là được tham quan miễn phí Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế và thiếu bản đồ hướng dẫn tại khu vực Đại nội. Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, du khách khi mua vé tham quan Đại nội sẽ được phát phiếu tham quan miễn phí Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế (có phát bổ sung tại cổng ra cửa Hiển Nhơn). Tuy vậy, do thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ của một số khâu, nên một số du khách chưa hoặc không nhận được phiếu. Vấn đề này trung tâm tiếp thu và sẽ chấn chỉnh nhằm phục vụ du khách được tốt hơn.
Riêng việc không có bản đồ hướng dẫn khiến nhiều du khách lạc đường trong Đại nội Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị đang triển khai làm bảng chỉ đường để gắn trên thực địa song song với xây dựng ứng dụng trên điện thoai di động để phục vụ du khách.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, không nên đặt vấn đề đắt hay rẻ khi tham quan các di tích lịch sử mà nên đặt vấn đề là có xứng đáng với giá trị mang lại không. Chúng ta vào một di tích mà nó ghi dấu giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, gợi lại không gian văn hóa lịch sử của đất nước thì giá vé hiện nay của Việt Nam, trong đó có Huế so với các điểm tham quan di tích lịch sử trên thế giới là cực thấp. Nếu du khách được hướng dẫn bài bản thì có rất nhiều điểm để tham quan từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa, trường lang, vườn Ngự Uyển, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế…
Bạn Nguyễn Văn Dinh cho rằng, uống ly nước ở tầng cao nhất Vincom Huế 2 lần cũng gần 200.000 đồng, nhưng đổi lại được gì, 1 bức ảnh đẹp?. Trong khi tham quan một di sản lịch sử đồ sộ như vậy, vừa được check in, vừa tìm hiểu gia tăng kiến thức thì 200.000 đồng vẫn còn thấp. Quan trọng là cách làm du lịch như thế nào mà thôi.
Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế cho biết, tiền thu phí tham quan, cơ bản được chi lại hoàn toàn cho việc phục hồi, bảo tồn, phát huy di sản vật thể, phi vật thể của quần thể di tích Huế. Sau chiến tranh, gần như toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Hàng chục năm qua, bằng phần lớn tiền vé/phí tham quan thu được, chúng ta đã trùng tu để tạo nên một quần thể di tích lộng lẫy, kiêu sa như hiện nay. Có thể nói, đây là công cuộc tái sinh các di tích của cha ông. Không dừng lại ở đó, vô số các dữ liệu lịch sử, di sản vật thể, phi vật thể khác cũng đã được nghiên cứu, hồi phục, khai thác, phát huy - cũng từ nguồn thu được từ tiền vé/phí tham quan di tích.
Theo Bí thư Thành ủy Huế, đắt hay rẻ của một vé tham quan di tích nó không đơn giản như ta mua một món hàng thông thường. Nó tùy thuộc vào nhu cầu cảm nhận văn hóa, lịch sử; mục đích vào tham quan di tích và khả năng chi tiêu của mỗi người. Do đó, có thể đối với những người chú trọng đến nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tìm kiếm cội nguồn cha ông, hoặc đơn giản mua vé vào di tích với suy nghĩ đóng góp chút ít chi phí để trùng tu, sửa sang di tích tổ tiên để lại... thì mức phí này là không đắt. Ngược lại, đối với những người chỉ vào tham quan cho biết, hoặc chỉ để chụp ảnh kỷ niệm, có thể giá phí đã quy định lại là cao nếu họ thấy chán, thấy không có hứng thú hoặc dịch vụ không chu đáo.
Để làm hài hòa các đối tượng khách, vấn đề quan trọng trong việc phục vụ khách du lịch ở quần thể di tích Huế, bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa đang có (thuyết minh, đón tiếp, hướng dẫn - chăm sóc khách...), cần phải sớm có thêm các dịch vụ bổ trợ phù hợp với không gian văn hóa, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm vui cho khách.
“Xét trên bình diện tổng thể khách, vấn đề không phải là ở vé/phí đắt hay rẻ, nhiều tiền hay ít tiền, mà vấn đề là làm sao cho khách thỏa mãn được mong đợi khi họ lựa chọn Huế làm điểm đến. Có lẽ, đó vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là dư địa cho du lịch Huế phát triển”, ông Phan Thiên Định chia sẻ.
Theo Báo Công thương
Tranh luận trái chiều về vé tham quan Di tích Huế đắt hay rẻ? (congthuong.vn)