Tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến

Tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến

14/03/2022 | Tác giả: Quang Minh - Lê Hồng Trang Lượt xem: 368


Vài năm trở lại đây, mua sắm trực tuyến không còn là chuyện xa lạ đối với nhiều người, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân ngại đến nơi đông người. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu này, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng bằng những chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến
Hoạt động mua sắm trực tuyến phát triển mạnh trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: NGỌC CHÂU

Hiện nay, Hà Nội có hàng nghìn điểm bán hàng trực tuyến, nguồn hàng đã được các siêu thị, cửa hàng phân bổ cho mảng online tăng cường gấp ba lần so với trước. Thông qua một loạt ứng dụng của các áp như: Lazada, Shopee, Tiki, AEON… người tiêu dùng tại Hà Nội có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà.

Ngoài ra, cũng có thể mua hàng trên các trang thông tin điện tử (website), trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị hoặc sử dụng dịch vụ đi chợ hộ… hoặc mua hàng online tại các group trên Facebook, Zalo.

"Tôi thấy việc mua sắm online là một giải pháp hữu hiệu khi có dịch bệnh do không phải xếp hàng, đi lại nhiều ở những nơi đông người; hàng hóa được giao tận nhà. Chính vì thế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi đặt mua trực tuyến hầu hết hàng hóa phục vụ nhu cầu hằng ngày", chị Vũ Thu Trang, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chia sẻ.

Thế nhưng, bên cạnh lợi thế, mua bán hàng online vẫn tồn tại bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... và ai cũng có thể trở thành nạn nhân chỉ với một cú nhấp chuột.

Cách đây mấy tháng, khi vào mạng xã hội Facebook, chị Hồng Nhung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có đặt mua hai bình xịt nhà vệ sinh, nhà tắm cao cấp trên một trang bán hàng online với giá gần 350 nghìn đồng. Sản phẩm này được người bán quảng cáo là "hàng xịn", với công nghệ bọt tuyết nano thế hệ mới giúp đánh bay những vết bẩn lâu ngày. Chuyển khoản rồi nhận hàng, thế nhưng khi sử dụng chị Nhung mới biết mình mua phải hàng nhái, không có những tác dụng như quảng cáo.

Anh Trần Trung, ở phường Khương Trung (Thanh Xuân), chia sẻ: "Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi đã thử mở một số trang để xem sản phẩm, thấy có số điện thoại, gọi thì người bán cho biết có thể đổi trả nếu sản phẩm không đúng. Vì thế nên tôi đặt mua quần áo và giày, nhưng về mở gói hàng ra thì hoàn toàn không đúng mầu sắc và chất lượng như hình ảnh và lời giới thiệu trên Facebook".

Không chỉ có các mặt hàng giày dép, mỹ phẩm, quần áo… thời gian gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh, trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo quảng cáo, các bộ kit test này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các kit test nêu trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay không có hóa đơn chứng từ, thậm chí chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Nhiều người bán hàng online còn có những "chiêu" lấy tiền của khách hàng vô cùng tinh vi. Ðiển hình của thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội là trường hợp Facebook có tên "Ngân gốm" đã thâm nhập vào các nhóm trên mạng xã hội chuyên bán hàng như: Mê đồ bếp, bán hàng EU… để đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Nhưng thực tế, đối tượng chỉ bán hàng "ảo" bằng việc đăng tải hình ảnh copy trên mạng, rồi lừa khách hàng chuyển khoản, sau đó không gửi hàng cho khách. Hiện, thủ phạm là Ðỗ Thị Kim Ngân (ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo ý kiến của các chuyên gia, mặc dù có những tác động tiêu cực, nhưng hiện mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để hạn chế những bất cập trong thương mại điện tử nói chung và mua sắm hàng online nói riêng, một trong những điểm quan trọng là cần khắc phục "lỗ hổng" về chính sách liên quan thương mại điện tử. Cụ thể, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.

Cần có quy định, điều kiện tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt nghiêm các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan thương mại điện tử để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch.

Về phía người tiêu dùng, cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua...

Theo Báo Nhân dân

Tránh rủi ro khi mua hàng trực tuyến - Báo Nhân Dân (nhandan.vn)


Chia sẻ trên

14/03/2022 | Tác giả: Việt Dũng

Yên Bái xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến

Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các cấp ngành, địa phương của tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đẩy mạnh việc phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến.

10/03/2022 | Tác giả: Dương Thảo An

Bóc trần những chiêu trò lừa đảo phổ biến trong đầu tư bất động sản

Lừa đảo đầu tư thu hút bạn với những lời cam kết dạy bạn cách kiếm nhiều tiền nhanh chóng, dễ dàng và ít rủi ro, thường thông qua đầu tư vào thị trường tài chính hoặc bất động sản.

30/05/2022 | Tác giả:

Công ty GloabalTech & sàn TMĐT Quốc gia VIVINA.NET tuyển đi làm ngay tháng 06/2022

Do nhu cầu phát triển, công ty GloabalTech - Chủ quản Sàn TMĐT Quốc gia VIVINA.NET cần tuyển dụng đi làm ngay trong tháng 06/2022 cả hai khu vực TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh các vị trí công việc như sau:

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...