"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Nản toàn tập khi "trải nghiệm" mã QR ở một xã nông thôn mới kiểu mẫu

"Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp: Nản toàn tập khi "trải nghiệm" mã QR ở một xã nông thôn mới kiểu mẫu

19/10/2023 | Tác giả: PV Lượt xem: 284


Theo ghi nhận của PV Dân Việt, không chỉ các nông dân, HTX, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số nông nghiệp, mà ngay cả xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Thủ đô vẫn "ngổn ngang" trong việc xây dựng thôn, xã thông minh. Thậm chí có chỉ tiêu xây dựng như kiểu cho có xong bỏ dở.

Dày đặc mã QR cải cách hành chính nhưng liên tục bị lỗi

Đến xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vào thời điểm này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy các banner, áp phích, băng rôn tuyên truyền về chuyển đổi số, xây dựng thôn thông minh, xã thông minh...

Ngay bên đường bê tông khang trang dẫn từ đầu thôn Tháp Thượng đến trụ sở UBND xã Song Phượng được dựng một bảng tuyên truyền rất to đẹp đề khẩu hiệu: "Song Phượng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia".

Tại các khu công cộng, nhà văn hóa thôn gắn 20 bảng mã QR hướng dẫn người dân sử dụng, thực hiện 5 thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân). Đây là một sáng kiến của Tổ công nghệ số cộng đồng của xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng, dịch vụ công trực tuyến này nhằm giúp người dân không phải đi lại, chờ đợi, xếp hàng như cách làm thủ công trước mà chỉ cần ngồi nhà sử dụng điện thoại thông minh quét mã làm thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Đến xã nông thôn mới kiểu mẫu Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vào thời điểm này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy các banner, áp phích, băng rôn... về chuyển đổi số, xây dựng thôn, xã thông minh...

Trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất một mô hình "Thôn thông minh". Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, đầu tháng 10/2022, xã Song Phượng đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình "Thôn thông minh" đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, đến nay xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình "Thôn thông minh" trên nền tảng là các "Tổ tự quản thông minh" và những "Công dân số" đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn. 

Từ tháng 10/2022, xã Song Phượng đã thành lập 1 Tổ Công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... 

Mô hình nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Tuy nhiên, chiều ngày 3, 4/10 chúng tôi đã trải nghiệm thực tế thực hiện, làm các thủ tục hành chính qua 5 mã quét QR theo hướng dẫn chi tiết gắn bảng "Sáng kiến của tổ công nghệ số cộng đồng" gắn tại nhà văn hóa thôn Thuận Thượng, Tháp Thượng nhưng hệ thống lại báo lỗi, không thể làm thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân như mong muốn.

Là sáng kiến của tổ công nghệ cộng đồng xã Song Phượng nhưng khi chúng tôi quét mã QR thực hiện dịch vụ công trực tuyến làm thủ tục hành chính thì không thể thực hiện được do hệ thống báo lỗi.

Chiều 3/10 tìm đến nhà ông Tạ Đăng Tuất - Trưởng thôn Thuận Thượng để hỏi thông tin về sáng kiến của Tổ công nghệ cộng đồng nhưng do ông Tuất đi vắng nên chúng tôi không gặp được. 

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Tạ Tiến Thành ( sinh năm 1993, con trai ông Tuất) cho biết, tôi không biết và chưa dùng điện thoại làm thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến của xã. 

"Mới đây, tôi làm khai sinh cho con cũng phải ra trực tiếp phòng một cửa để làm. Do trước đây hay làm thủ tục về đất đai nên cũng hiểu về các thủ tục hành chính nên tôi làm giấy khai sinh cho con khá nhanh", anh Thành nói.

Sáng 4/10, trao đổi với PV Dân Việt về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh vẫn khẳng định hệ thống dịch vụ công trực tuyến của xã vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho xem clip quay thực tế "trải nghiệm" các mã quét QR thực hiện 5 thủ tục hành chính báo lỗi, ông Thế Anh mới thừa nhận: "Có thể hệ thống đang bị lỗi".

Lập nhóm mạng xã hội để hỗ trợ dân tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhưng không hoạt động

Theo ông Ngô Thế Anh, trong quá trình xây dựng "Thôn thông minh", tổ Công nghệ số cộng đồng của xã đã hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp xã thành lập trang Facebook: Nông sản sạch Song Phượng do đại diện HTX Song Phượng làm người đại diện để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Kẹo lạc, nấm ăn, bưởi Diễn... với gần 100 thành viên trên địa bàn xã tham gia; hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập. 

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cho biết, đến nay xã chưa có mô hình nông nghiệp số, trước đây xã cũng có một mô hình trồng rau trong nhà lưới nhưng về sau do đầu ra khó khăn nên mô hình đã phá sản.

Tuy vậy, khi chúng tôi truy cập vào nhóm "Nông sản sạch Song Phượng" trên mạng xã hội, nhóm có gần 100 thành viên nhưng chỉ có... 3 bài, thông tin, hình ảnh về sản phẩm nấm, kẹo, bưởi, hoa... đăng từ tháng 10, 12/2022 và 1 bài đăng 4/1/2023, các tương tác rất hạn chế. Từ 5/1/2023 đến giờ, nhóm mạng xã hội này "lạnh ngắt" không có thông tin, bài mới được đưa lên.

"Hiện trang "Nông sản sạch Song Phượng" vẫn hoạt động để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nhưng do sản phẩm của địa phương còn ít và theo mùa vụ nên không có sản phẩm để giới thiệu, bán" - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh phân trần thêm.

Xưởng sản xuất nấm của bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng rất thô sơ, thủ công.

Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều hộ dân trồng nấm thương phẩm, hoa... ở các thôn Thuận Thượng, Thống Nhất... vẫn sản xuất quanh năm nhưng vẫn phải bán trôi nổi tại các chợ hoặc phụ thuộc vào các thương lái.

Là nông dân Việt Nam xuất sắc 2015, bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Thuận Thượng, chủ trại sản xuất nấm quy mô lớn nhất, nhì ở Thủ đô cho biết, mỗi năm gia đình tôi đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất hàng chục vạn bịch nấm, mộc nhĩ cung cấp ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất và tiêu thụ vẫn theo cách truyền thống.

"Chúng tôi sẵn sàng vay tiền để làm ăn lớn nên trại vẫn mong muốn được hỗ trợ công nghệ mới nhất là hệ thống cảm biến quan trắc môi trường, điều chỉnh tự động môi trường, nhiệt độ trồng nấm để có thể sản xuất quanh năm nhưng hiện không có đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn nên gia đình vẫn phải làm nấm theo mùa. Làm nấm vào các tháng cuối năm có thể gặp thời tiết bất lợi khiến nấm hư hỏng nên bị thiệt hại rất nặng nề", bà Huyền ngậm ngùi.

Trong giai đoạn năm 2014 đến 2017, gia đình bà Huyền liên kết với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ mỗi năm hàng chục tấn cung cấp cho thị trường quốc tế. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do nấm ngoại nhập về nhiều, sản phẩm của bà bị cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp cũng chán nản "bỏ kèo".

Theo bà Huyền, vợ chồng bà đã có thâm niên hàng chục năm làm nghề nhưng mọi việc đều phải "tự bơi", thậm chí có thời điểm vợ chồng bà phải vay lãi ngoài để đầu tư trồng nấm nên việc sản xuất, tiêu thụ khá bấp bênh.

"Làm nông nghiệp rất vất vả, rủi ro cao nhưng chúng tôi không tiếp cận được các chính sách, cơ chế hỗ trợ của nhà nước nên rất khó khăn, vất vả. Khi làm ra sản phẩm cũng phải chủ động bán, có năm bị thương lái ép giá xuống thấp khiến gia đình càng thua thiệt nhiều hơn", bà Huyền bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thi (vợ anh Tạ Đăng Huy) ở thôn Thống Nhất kiểm tra sản phẩm nấm trồng trên các bịch rải dưới bóng cây ăn quả.

Cùng chung số phận với vợ chồng bà Huyền, vợ chồng anh Tạ Đăng Huy ở thôn Thống Nhất làm nấm thương phẩm quanh năm bằng "công nghệ" rải phôi bịch nấm trên mặt đất dưới bóng cây ăn quả. "Chúng tôi làm nấm khác người lắm, không áp dụng công nghệ mà chỉ đóng nguyên liệu, cấy giống vào bịch rồi rải đều ra mặt đất đến lứa thu hoạch bán tại các chợ dân sinh quanh vùng thôi", anh Huy chia sẻ.

Đầu năm 2020, anh Huy và một số bạn bè, anh em trong làng thành lập HTX sản xuất nấm với mong muốn áp dụng công nghệ cao, hệ thống cảm biến chăm sóc nấm tự động để làm nấm VietGAP đưa vào các siêu thị, nhà hàng trong nước. Tuy nhiên, sau khi thành lập HTX được vài ngày, do bất đồng quan điểm, lợi ích nên đơn vị không hoạt động. Đến thời điểm này, các thành viên trong HTX đang xin giải thể để quay lại sản xuất nấm tại gia đình.

Cận cảnh mô hình làm nấm thủ công của anh Tạ Đăng Huy ở thôn Thống Nhất.

"Các thành viên đều làm trong lĩnh vực nông nghiệp nên rất muốn làm lớn, mở rộng quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng do không có đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo, tập huấn kiến thức về quản trị, điều hành và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên mọi người dễ mất phương hướng dẫn đến bất đồng quan điểm, lợi ích khiến HTX bị phá sản. Thê thảm lắm!", anh Huy ngậm ngùi.

Theo báo Dân Việt

https://danviet.vn/truc-trac-chuyen-doi-so-nong-nghiep-nan-toan-tap-khi-trai-nghiem-ma-qr-o-mot-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-bai-3-20231013085305082.htm


Chia sẻ trên

18/10/2023 | Tác giả: PV

Thông báo nhu cầu tiếp nhận vào làm viên chức năm 2023

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn thông báo nhu cầu tiếp nhận vào làm viên chức năm 2023, cụ thể như sau:

19/10/2023 | Tác giả: Anh Minh

Kích hoạt dự án tuyến đường sắt Việt - Lào

Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, phân đoạn trên đất Việt Nam của tuyến đường sắt Vientiane (Lào) - Vũng Áng đã xác định được nhà đầu tư đề xuất dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

19/10/2023 | Tác giả: Hoài Nam

Cam đặc sản chết hàng loạt, nông dân thất thu

Cam không ra quả, héo và khô dần từ gốc đến ngọn. Đó là tình trạng đang xảy ra tại “thủ phủ” cam bù nức tiếng ở Hà Tĩnh.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...