Thông tin được ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp, ngày 28/8, ở Hà Nội.
"Tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng muộn hơn", ông Hoàng nói, dẫn chứng năm 1999 lứa tuổi kết hôn là 24,1 và 10 năm sau lên 25,2 tuổi. Năm 2023, tuổi trung bình kết hôn là 27,2.
Xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, được xem là những nguyên nhân khiến mức sinh giảm. Như tại TP HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu là 30,4, cao nhất Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số. Lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng...
Mức sinh của Việt Nam đang thấp ở "mức đáng lo ngại", có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 cả nước là 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Hiện 2/6 vùng kinh tế xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó phụ nữ vùng Đông Nam Bộ có số con trung bình là 1,47 - thấp nhất cả nước.
Theo TS Hoàng, đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con... là yếu tố làm giảm mức sinh. "Nhiều người Việt có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn kết hôn, sinh con", ông Hoàng nói.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để hãm đà thì đến năm 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh. Theo tính toán, năm 2024, với mức sinh thấp, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,9% và giảm còn 0,68% năm 2029, giảm tiếp còn 0,06 năm 2054 và từ năm 2059, dân số bắt đầu tăng trưởng âm.
Các chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế xã hội và chính sách dân số thì mức sinh tiếp tục giảm sâu, "đi theo con đường" như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì mức sinh sẽ tăng. Một số gợi ý được đưa ra như chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người; hỗ trợ vợ chồng sinh đủ hai con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...
Tại hội thảo, bà Ghislaine Dondellinger, Tổng giám đốc Merck Healthcare Việt Nam, cho biết bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được công bố, giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chính sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em; Chính sách tại nơi làm việc; Ưu đãi tài chính và Hỗ trợ sinh sản.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp. Do vậy, các nhà khoa học, tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam giải quyết vấn đề này. Đồng thời, Cục Dân số cần đề xuất các giải pháp can thiệp ứng phó với mức sinh thấp mang tính khả thi, hiệu quả trong thời gian tới.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tuoi-ket-hon-lan-dau-nguoi-viet-nam-la-27-2-4786789.html