Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng
18/07/2024 | Tác giả: Đức Thành Lượt xem: 185
Thời gian qua, ngành Kiểm lâm cùng các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi các phần mềm số lưu trữ thông tin dữ liệu về tài nguyên rừng, nhờ đó, đã giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả hơn.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 cơ sở của người dân nuôi động vật hoang dã được cấp phép, gồm 2 cơ sở tại thị trấn Plei Kần nuôi tổng cộng 128 cá thể cầy vòi hương và 3 cơ sở tại xã Đăk Xú nuôi tổng cộng 179 cá thể cầy vòi hương và cá thể dúi mốc nhỏ.
Những năm trước đây, mọi thông tin về hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã được cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện Ngọc Hồi quản lý qua sổ theo dõi. Đơn cử như khi có sự thay đổi về tăng, giảm số lượng cá thể động vật hoang dã đang nuôi (nhập giống, xuất bán, sinh sản cá thể), chủ cơ sở nuôi phải chủ động kê khai vào sổ theo dõi và báo cáo để cán bộ kiểm lâm địa bàn đến kiểm tra. Nhưng từ năm 2022, Hạt đã đưa vào thử nghiệm, áp dụng phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã-Wild life (do các tổ chức và Chính phủ nước ngoài tài trợ). Phần mềm cung cấp cho cơ quan kiểm lâm công cụ lưu trữ, cập nhập thông tin và lập báo cáo về gây nuôi động vật hoang dã tại địa phương của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Phú- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi chia sẻ, hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện có 1 viên chức phụ trách tiếp nhận thông tin của lực lượng kiểm lâm địa bàn về hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã để cập nhật lên hệ thống phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã. Từ đó tạo thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, theo dõi, tra cứu những thông tin, như bản đồ vị trí cơ sở nuôi, nguồn gốc lâm sản, cấp mã số cơ sở nuôi.
Tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG) Chư Mom Ray, những năm qua, đơn vị luôn chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Hiện tại, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL VQG Chư Mom Ray đang sử dụng phần mềm Smart được cài đặt trên điện thoại thông minh để sử dụng đăng tải dữ liệu bản đồ, cập nhật lộ trình, hình ảnh, thông tin các đợt tuần tra, truy quét rừng, quản lý rừng giáp ranh với đất sản xuất của người dân.
Để tổ chức triển khai hiệu quả phần mềm Smart, BQL VQG Chư Mom Ray đã đầu tư, trang bị cho các trạm quản lý bảo vệ rừng, tổ cơ động lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế từ 2-3 chiếc điện thoại thông minh để cán bộ, viên chức sử dụng.
Từ năm 2023, BQL VQG Chư Mom Ray còn đầu tư, mua sắm 2 thiết bị bay không người lái (flycam) với nhiều chức năng hiện đại để đội ngũ cán bộ sử dụng trong quá trình tuần tra, đối chiếu bản đồ hiện trạng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Phạm Hồng Thái- Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, đơn vị đảm nhiệm chủ trì vận hành các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin của BQL VQG Chư Mom Ray cho hay, đội ngũ cán bộ, viên chức, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL đến thời điểm này có thể nói đã nắm bắt và sử dụng thành thạo các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin. Từ khi sử dụng các phần mềm, thiết bị, chất lượng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng của BQL ngày càng được nâng lên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài BQL VQG Chư Mom Ray còn có một số đơn vị chủ rừng khác cũng đang triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, như tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy có đội ngũ cán bộ kỹ thuật sử dụng các thiết bị bay không người lái; tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông có 35 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bản đồ Locusmap để tuần tra rừng.
Theo Phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), đến nay, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đang áp dụng các công nghệ, gồm phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS, Mapinfo, QGIS), hệ thống thông tin cảnh báo mất rừng của Cục Kiểm lâm, phần mềm Quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã và các ứng dụng phục vụ tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên điện thoại thông minh (Smart, iGeo Trans, Geo Pfes, Forestry 4.0). Đối với các đơn vị chủ rừng, các ứng dụng phục vụ tuần tra, kiểm tra rừng cài đặt trên điện thoại thông minh hay thiết bị bay không người lái được đầu tư, áp dụng rộng rãi.
Thời gian tới, Phòng Sử dụng và Phát triển rừng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, viên chức kiểm lâm, triển khai áp dụng hoàn chỉnh và khai thác tối đa công năng của các phần mềm, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, để từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Theo Báo KonTum
https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-quan-ly-bao-ve-rung-41627.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn