Ứng dụng khoa học công nghệ ‘nâng tầm’ sản phẩm OCOP Quảng Ninh
28/11/2023 | Tác giả: N.H Lượt xem: 187
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm OCOP Quảng Ninh từng bước khẳng định chất lượng, vươn xa trên thị trường.
Sản phẩm OCOP “thăng hạng” nhờ khoa học công nghệ
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thuỷ sản Quảng Ninh là một trong số các đơn vị tham gia chương trình OCOP đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Ninh. Từ nhiều năm nay, công ty áp dụng công nghệ trong chế biến với máy xào tự động, máy tiệt trùng tự động, máy dập ngày sản xuất điện tử... đảm bảo giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, kéo dài thời gian bảo quản. Toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm đều được thực hiện 1 chiều, tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm ruốc hàu, ruốc tôm, ruốc cá, ruốc tép, bánh phồng hàu… giữ được chất lượng tốt nhất. Riêng sản phẩm ruốc Hàu Thái Bình Dương và Ruốc cơ trai được chứng nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Công ty đang từng bước xây dựng một số sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Một trong những đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh là miến dong Bình Liêu, sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ nhiều năm nay, các cơ sở chế biến miến dong tại xã Đồng Tâm, xã Húc Động và thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) đều trồng dong riềng theo hướng hữu cơ.
Các chủ thể sản xuất không chỉ ứng dụng các giống dong riềng cho năng suất cao, sản xuất tập trung mà còn áp dụng KHCN vào phòng chống bệnh hại góp phần tăng năng suất; bên cạnh đó đầu tư các máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống nhằm giữ chất lượng đặc trưng; thực hiện đóng gói, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng… Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng, trở thành 1 trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh.
Tại Quảng Ninh, chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện với 21 dự án. Các dự án này được thực hiện theo chuỗi gồm: Quy hoạch vùng, ứng dụng công nghệ xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng công cụ quản lý, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh… Theo đó, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm thuộc chương trình OCOP, như: vải chín sớm Phương Nam Uông Bí, chả mực Hạ Long, na dai Đông Triều, Nếp cái hoa vàng Đông Triều, gà Tiên Yên, chè Đường Hoa, rau an toàn Quảng Yên, trứng gà Tân An, nước mắm Cái Rồng, tu hài Vân Đồn, mực ống Cô Tô, nhựa thông Quảng Ninh, thanh long Uông Bí…
Đẩy mạnh số hoá trong tiêu thụ sản phẩm
Quảng Ninh hiện có 219 chủ thể sản xuất, gồm 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ tham gia chương trình OCOP. Đây là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 565 sản phẩm, trong đó có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia.
Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh không chỉ chú trọng ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản mà còn đẩy mạnh việc số hoá trong đóng gói và tiêu thụ. Việc ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… được áp dụng triệt để. Đến nay 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được triển khai dán tem điện tử thông minh, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc tra cứu, nhận biết thông tin, chất lượng hàng hóa.
Thích ứng, đón đầu xu hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt áp dụng các hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt, nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã được đưa lên các sàn TMĐT, điển hình như sàn TMĐT Voso có 160/334 sản phẩm; sàn TMĐT Postmart 108/334 sản phẩm; riêng sàn giao dịch TMĐT tỉnh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 424/565 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đây được xem là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả và là “cánh tay” nối dài giúp các sản phẩm OCOP vươn xa.
Được biết trong lộ trình đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước…, Quảng Ninh tiếp tục tạo đà để các sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Theo Việt Nam Net
https://vietnamnet.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-nang-tam-san-pham-ocop-quang-ninh-2215913.html