Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
28/07/2024 | Tác giả: Lê Hoàng Lượt xem: 158
Khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Với ngành y- ngành khoa học có nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe cho người dân, việc ứng dụng KHCN càng cần thiết. Trước bài học thực tiễn từ đại dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, một lần nữa, nhu cầu của người dân được tiếp cận các kỹ thuật hiện đại, chăm sóc sức khỏe tốt hơn càng trở nên cấp thiết.
Làm chủ công nghệ mới
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh với quy mô 630 giường bệnh, bao gồm hai trung tâm, 18 chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa… Bệnh viện hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở y tế toàn diện, kết hợp hài hòa “3 trong 1” các yếu tố con người - công nghệ- dịch vụ để “Tiếp cận nhanh chóng - chẩn đoán chính xác- điều trị kịp thời”. Theo thông tin từ Bệnh viện, cùng với hệ thống phòng khám, buồng bệnh được thiết kế hợp lý, không gian thoáng đãng, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, tiện nghi hiện đại, đồng bộ, việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh được tiến hành kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, giảm thời gian chờ của người bệnh. Ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, Bệnh viện Sản Nhi đã chú trọng áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong các chuyên môn như: Hỗ trợ sinh sản, xét nghiệm, sản khoa, sơ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn… giúp cho hiệu quả điều trị, khám chữa bệnh tại Bệnh viện được nâng cao…
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người bệnh trong khám, chữa bệnh, Bệnh viện tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, chú trọng ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến trong nước và trên thế giới vào công việc khám chữa bệnh hàng ngày. Bệnh viện đầu tư, mua sắm các thiết bị kỹ thuật cao như: Phòng mổ Hybrit, máy cộng hưởng từ 1.5, máy chụp CT 128 dãy, máy chụp mạch số hóa DSA, máy tim phổi nhân tạo, máy xạ trị gia tốc, cánh tay Robot Maxio, Robot phẫu thuật cột sống, các máy thở hiện đại, hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch hiện đại... Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục đầu tư máy cộng hưởng từ 3.0, máy CPECT (sử dụng trong điều trị ung thư).
Song song với thiết bị hiện đại, các công nghệ cũng được phát triển, ứng dụng trong điều trị. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, giúp mở rộng giờ vàng điều trị lên đến 24 giờ thay vì sáu giờ như phương pháp thông thường; phần mềm PACS cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh: Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ; hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS từ các khoa lâm sàng về phòng xét nghiệm là một trong những điểm nổi trội, giúp vận chuyển mẫu nhanh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng mẫu, đảm bảo kết quả xét nghiệm một cách chính xác nhất…
Phục vụ người bệnh tốt hơn
Có thể thấy, với những thiết bị, công nghệ hiện đại, cho hình ảnh rõ nét, nhanh chóng sẽ giúp các bác sĩ và nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chính xác hơn, từ đó tăng khả năng phát hiện sớm các bệnh lý và cung cấp liệu pháp phù hợp. Mặt khác, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị mới, hiệu quả hơn, giúp cải thiện khả năng điều trị các bệnh phức tạp và giảm đau cho người bệnh. Đồng thời, công nghệ thông tin cũng mang đến nhiều tiện ích, người dân có thể đặt lịch hẹn và xem kết quả thông qua ứng dụng di động hoặc qua gọi điện, nhắn tin, giúp tiết kiệm thời gian, tăng tính tiện lợi cho người dân…
Tháng 9/2022, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã tổ chức sự kiện chào đón 200 em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; đến tháng 5/2023, cặp song sinh em bé thứ 299-300 đã chào đời trong niềm hân hoan của gia đình và các y bác sĩ tại Bệnh viện. Tính đến nay, số ca có thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đạt tỉ lệ thành công 54,7%. Đây là một kết quả khả quan trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ thành công tăng cao, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, sau một năm thực hiện Bệnh án điện tử (BAĐT), các ghi chép, hướng dẫn, quản lý khám chữa bệnh được số hóa như: Sổ phẫu thuật thủ thuật, sổ xét nghiệm, sổ cận lâm sàng; phần mềm thường xuyên được cập nhật các tính năng mới nhằm hỗ trợ tối đa công tác khám, chữa bệnh và giám định, giải quyết chế độ cho người dân, người lao động.
Thường xuyên tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, ông Lê Mạnh Hùng (phường Minh Nông, thành phố Việt Trì) chia sẻ: Từ khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát hành thẻ khám bệnh thông minh theo Chương trình “Một thẻ quốc gia” và phát triển ứng dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử trên điện thoại di động, người bệnh đến khám, chữa bệnh không cần phải xếp hàng, chờ đợi để lấy số. Tôi có thể đăng ký khám, chữa bệnh hoặc tương tác trực tiếp với bác sĩ, xem hồ sơ sức khỏe, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thông qua ứng dụng trên điện thoại. Tôi thấy việc này rất hữu ích, thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính…
Với những tiện ích to lớn mà KHCN mang lại, ngành Y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng sẽ tiếp tục tiên phong, chủ động đầu tư mua sắm trang, thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh chuyên nghiệp, nhanh chóng song song với đào tạo đội ngũ nhân lực để có thể đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng cho công cuộc cách mạng hóa, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Báo Phú Thọ
https://baophutho.vn/ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-193779.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn