Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ rừng ngập mặn
08/07/2024 | Tác giả: Ngọc Ánh Lượt xem: 121
Những năm qua, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải (Chi cục Kiểm lâm) đã chủ động đầu tư các trang thiết bị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tích cực ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, đẩy lùi tình trạng phá rừng trái phép, bảo vệ chim hoang dã, di cư.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) là địa điểm đa dạng sinh học, bao gồm một hệ thống các môi trường sinh thái, từ rừng ngập mặn, bãi cát, đến vùng đất ngập nước. Đặc biệt, đây là nơi cư trú của các loài chim nước theo Công ước Ramsar. Trong số trên 200 loài chim xuất hiện ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã có trên 100 loài di trú, 50 loài chim nước và một số loài chim quý hiếm có trong Sách đỏ của thế giới như: Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa, Choắt chân màng lớn, Diệc đầu đỏ… Đồng chí Đỗ Văn Thông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải cho biết: Thời gian qua, Hạt đã chủ động phối hợp với UBND các xã, Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy, đồn Biên phòng trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm tra tại vùng đệm và vùng lõi của rừng ngập mặn với mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ chim di cư và chim hoang dã đảm bảo sự bền vững của môi trường tự nhiên. Với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý bắt giữ các đối tượng và tháo dỡ dụng cụ bẫy bắt trái phép chim hoang dã, thu giữ hơn 2.000m lưới cước, 200m lưới rập, 14 bộ kích loa, 31 loa phát, 5 bình ắc quy, 16 con chim mồi giả; thả về Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ 74 cá thể Vạc, 8 cá thể Diệc, 6 cá thể Cò trắng.
Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải được giao quản lý Nhà nước và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu; trong đó, có hơn 1.910ha rừng của huyện Giao Thủy và 40,51ha rừng của huyện Hải Hậu. Nếu như trước đây, muốn theo dõi diễn biến của rừng (như hoạt động khai thác rừng trồng, cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng…), cán bộ Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải phải thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tại hiện trường, vừa mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả lại không cao, việc xác minh một số vụ việc liên quan đến diễn biến của rừng có thể không kịp thời, bị bỏ sót, nhầm lẫn. Để khắc phục tình trạng này, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã ứng dụng công nghệ, sử dụng ảnh vệ tinh qua Google Earth, ArcGIS Earth kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp, như: Mapinfor, Global Mapper, máy định vị GPS, máy tính và điện thoại sử dụng hệ điều hành Android có cài đặt ứng dụng FRMS - phần mềm theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp. Đồng chí Đỗ Văn Thông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải thông tin: “Từ những hình ảnh vệ tinh, số liệu diễn biến rừng trên phần mềm, đơn vị có thể thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến rừng, việc tổng hợp số liệu cũng dễ dàng, nhanh chóng. Đó thực sự là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Bên cạnh những kiến thức nghiệp vụ, thông qua các buổi tập huấn, cán bộ Hạt đã sử dụng thành thạo những phần mềm để áp dụng vào công việc thực tế”.
Do địa hình công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ chim hoang dã tại địa bàn huyện Giao Thuỷ hoàn toàn là vùng đất ngập nước nên việc tuần tra, kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Khi thuỷ triều xuống dưới mức 1,6m không thể di chuyển bằng thuyền, ca-nô mà chỉ khi thuỷ triều lên cao thì mới thực hiện nhiệm vụ, nên việc tuần tra phát hiện vụ việc vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó phương tiện cũng như kinh phí để phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm tra cũng hạn chế. Để khắc phục khó khăn trên, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã tận dụng việc ứng dụng ống nhòm Telescope tại 2 chòi quan sát của Vườn Quốc gia Xuân Thủy để quan sát tầm xa và sử dụng hệ thống định vị GPS, bản đồ vệ tinh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để kịp thời phát hiện và tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn việc người dân chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn khi cải tạo bãi, theo dõi lộ trình di chuyển của chim di trú qua các khu vực trọng yếu. Đồng thời ghi nhận các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự thành công trong việc di cư của chim như: mất môi trường sống, sự xâm nhập của con người và các mối đe dọa khác...Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản và động vật hoang giã; thu nộp ngân sách Nhà nước 12 triệu đồng, thả về tự nhiên trên 200 cá thể chim hoang dã. Ngoài ra, nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ đã giúp cán bộ Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải thực hiện tốt công tác giám sát đối với các loài chim hoang dã, ghi nhận các loài chim trong khu vực quản lý. Qua đó phát hiện sớm các biến đổi trong phân bố và sinh thái của các loài chim hoang dã để đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tư vấn pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lâm sản trên địa bàn bằng những hình thức đơn giản và hiệu quả. Phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Thủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được phân công. Thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành một cách có hiệu quả cao. Xây dựng kế hoạch và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và quản lý lâm sản. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Bên cạnh đó, Hạt cũng đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại đáp ứng công tác quản lý rừng, theo dõi tình hình diễn biến rừng để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Theo báo Nam Định
https://www.baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202406/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghetrong-bao-ve-rung-ngap-man-b8b019f/
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn