Vì sao giá hàng hóa ở siêu thị thường có đuôi 99?
01/11/2023 | Tác giả: NGUYỆT ÁNH Lượt xem: 347
Khi mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại, chúng ta thấy giá sản phẩm thường kết thúc bằng con số 9 hoặc 99, vì sao lại như vậy?
Nếu để ý, bạn sẽ thấy giá bán của sản phẩm ở các cửa hàng, siêu thị thường được niêm yết thành số lẻ, như 99 nghìn, 149 nghìn, 990 nghìn đồng. Vì sao giá sản phẩm ở siêu thị thường có đuôi 99 trong khi trên thực tế, nhiều khi người bán khó tìm được tiền lẻ để trả lại và số tiền thừa đó cũng nhỏ đến mức khách hàng không coi trọng?
Vì sao giá sản phẩm ở siêu thị thường có đuôi 99?
Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các nước cũng vậy, hàng hóa bán ở các quầy hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhất là những sản phẩm đại hạ giá, thường được treo biển có con số cuối là 9, 99 hoặc 90. Đây là nghệ thuật định giá hàng hóa được đúc kết qua hàng trăm năm.
Theo Livescience, chiến thuật này dựa trên thực tế là khi chúng ta đọc từ trái sang phải, con số đầu tiên chúng ta nhìn thấy sẽ có tác động lớn hơn. Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy thứ gì đó có giá 19,99 USD thay vì 20 USD, bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi con số 1 đầu tiên và mua hàng vì nghĩ nó thấp hơn con số 2. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng chữ số bên trái (left-digit effect).
Còn giá sản phẩm có đuôi 9 hoặc đuôi 5 cũng thường thu hút người mua hàng hơn các con số khác. Cách định giá này được gọi là định giá hấp dẫn (charm price).
Chuyên gia kinh tế Lee E. Hibbett nhận định, người tiêu dùng thường chú ý giá của sản phẩm mà mình mua nhưng ít chú ý đến con số 99 ở tận cùng. Người bán hàng đã lợi dụng tâm lý đó khi chọn mức giá thấp hơn 1 đồng.
Ví dụ, với giá 99.900 đồng nếu đọc từ trái qua phải, chữ số đầu tiên sẽ gây ấn tượng nhiều với khách hàng. Cho nên người dùng thường chọn sản phẩm 99.900 đồng hơn là các sản phẩm bán giá 100.000 đồng dù chẳng khác gì nhau về chất lượng, đơn giản có thể nhìn thấy số 99 sẽ thấp hơn số 100.
Các nhà phân tích hành vi tiêu dùng gọi kiểu niêm yết giá 99.900, 199.000, 299.000 đồng là kiểu định giá tâm lý.
Subimal Chatterjee, chuyên gia tiếp thị tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết: “Người tiêu dùng thường không muốn chi tiêu quá mức, do đó, ngay cả một khoản tiền nhỏ hơn cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong tâm lý của họ”.
Theo tạp chí Harvard Business Review, chữ số cuối cùng của giá niêm yết thường rất quan trọng đối với người tiêu dùng. Họ thường có xu hướng tin mình mua được sản phẩm mới với giá thấp nhất, mình đã tiết kiệm được một phần tiền khi mua một sản phẩm có giá xxx99 đồng.
Cách định giá trên thường được sử dụng trong chiến lược giảm giá.
Eric Anderson, chuyên gia tiếp thị tại Đại học Northwestern cho hay: "Không chỉ giảm giá mà nếu tăng giá thì người bán cũng thích chọn các mức giá có số 9"
Ngoài ra, còn một lý do nữa giải thích vì sao giá sản phẩm ở siêu thị thường có đuôi 99, đó là để ngăn chặn sự "đút túi" của nhân viên. Nhằm ngăn ngừa gian lận, các ông chủ quyết định giảm giá sản phẩm 1 xu so với giá ban đầu. Điều này có nghĩa nếu ai đó trả cho nhân viên thu ngân 1 USD để mua món đồ 99 xu, nhân viên sẽ phải sử dụng máy tính tiền để trả lại 1 xu cho khách hàng và ghi nhận số tiền đó vào hệ thống.
Theo báo VTC News
https://vtc.vn/vi-sao-gia-hang-hoa-o-sieu-thi-thuong-co-duoi-99-ar829944.html