Vì sao nhiều lao động bị lừa qua Campuchia làm việc rồi ôm nợ?
15/07/2022 | Tác giả: Xuân Hinh Lượt xem: 464
Nhiều lao động ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã sập bẫy "cò" việc làm, sang Campuchia kiếm "việc nhẹ lương cao". Khi "tỉnh mộng", có người thành ôm nợ hàng trăm triệu đồng.
Ngày 13/7, thông tin với PV Dân trí, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình người lao động bị lừa đưa qua Campuchia làm việc thông qua các cửa khẩu tại Long An. Bộ đội Biên phòng tại các cửa khẩu cũng tích cực tuần tra và bắt giữ nhiều vụ đưa người lao động qua biên giới trái phép.
Các đối tượng "cò" chủ yếu dùng "chiêu" tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" để người lao động tin và đi theo. Người lao động bị lừa chủ yếu là người dân có khả năng nhận thức hạn chế, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Chủ yếu các lao động được đưa qua Campuchia làm việc tại các sòng bài, casino, các cơ sở kinh doanh trái pháp luật. Khi đưa mỗi lao động qua Campuchia, các "cò" sẽ được hưởng "hoa hồng" từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Nguyên nhân, các đối tượng lừa đảo chọn đi qua các cửa khẩu tại Long An do đường biên giới giáp ranh Long An và Campuchia rất dễ đi, giao thương thuận lợi, không phải do công tác quản lý lỏng lẻo. Mặt khác, các sòng bài, casino, các cơ sở kinh doanh trái pháp luật nằm dọc biên giới giáp ranh giữa Campuchia và Long An khá nhiều.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, một cán bộ Biên phòng ở Long An cho hay, các đối tượng xấu thường tuyển dụng lao động thông qua Facebook, Zalo. Các đối tượng này thường hướng đến nhóm thanh niên trẻ, không có việc làm, mời gọi công việc với mức lương lên tới 50 triệu đồng/tháng đã đồng ý ngay, không yêu cầu điều kiện để làm việc. Khi nạn nhân sập bẫy, các đối tượng sẽ đưa qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Tại các công ty ở nước ngoài, nạn nhân sẽ phải buộc ký các hợp đồng làm việc rất khắt khe về chỉ tiêu và số tiền kiếm được. Khi không hoàn thành chỉ tiêu, các nạn nhân sẽ bị đánh đập, nhốt vào phòng kín, không cho ăn uống hoặc bán cho các công ty khác. Các nạn nhân muốn trở về Việt Nam sẽ phải trả chi phí "chuộc thân" từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Ngoài việc bị ép làm việc tại các sòng bài, các nạn nhân còn phải mở các tài khoản trên mạng xã hội để giả danh các công ty, đơn vị, cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, thông qua công tác tuần tra, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã bắt giữ một xe ô tô chở người qua Campuchia để lừa đảo lao động. Qua kiểm tra, trên xe có 4 người gồm: Nguyễn Duy Tuấn (tài xế), 43 tuổi; Nguyễn Minh Sang (bố vợ Tuấn), 67 tuổi; Đặng Nhật T. (19 tuổi) và Trần Thị H. (16 tuổi) cùng thường trú tại tỉnh Tây Ninh.
Qua khai thác nhanh, Đặng Nhật T. và Trần Thị H. khai nhận được một người tên Trần Thị Mỹ Châu đưa sang Campuchia để tìm việc làm. Tổ công tác đã mời Trần Thị Mỹ Châu đến Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây đến làm việc. Châu khai nhận đã thỏa thuận với một người tên Trường bên Campuchia để dẫn Đặng Nhật T. và Trần Thị H. xuất cảnh sang Campuchia để nhận 12 triệu đồng tiền "môi giới".
Theo thông tin từ Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, chỉ trong 3 đầu tháng 7, lực lượng chức năng đã phát hiện 4 vụ việc với 15 người có hành vi đưa rước, xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Qua làm việc, những người này khai nhận, nghe theo lời môi giới, rủ rê sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.
Theo báo Dân Trí
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/vi-sao-nhieu-lao-dong-bi-lua-qua-campuchia-lam-viec-roi-om-no-20220713102701349.htm