Vì sao nông dân Hà Nam thích xuất khẩu lao động thời vụ?
10/07/2024 | Tác giả: Giang Nam Lượt xem: 118
Đa số những người nông dân Hà Nam đăng ký hồ sơ xét tuyển đi xuất khẩu lao động thời vụ thời gian qua cho rằng, đây là chương trình mang lại hiệu quả kinh tế, không phải làm việc xa nhà trong thời gian dài, môi trường làm việc tốt... Trong khi ở địa phương, công việc vài năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, lương, thưởng ở nhiều doanh nghiệp bị giảm sút, vị trí việc làm không ổn định. Đó là lý do chính thúc đẩy quyết tâm nhiều lao động nông thôn Hà Nam ra nước ngoài làm việc thời vụ hiện nay
Lao động thời vụ - Thời gian ngắn, thu nhập cao
Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 27/04/2022 của Chính phủ về việc tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, Hà Nam là địa phương duy trì tốt thỏa thuận hợp tác với chính quyền quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk, Hàn Quốc. So với năm 2018, năm đầu tiên Hà Nam thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với địa phương này, đến nay số lao động được đưa sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại đây tăng vài chục lần.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh – đơn vị kết nối cung cầu lao động, càng ngày số người lao động nông thôn Hà Nam có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc càng tăng cao. Nếu như năm 2023, số lao động nộp hồ sơ mới đăng ký tuyển chọn đi xuất khẩu lao động thời vụ tại quận Bonghwa-gun là 500 hồ sơ thì đến đầu năm 2024, số lao động nông thôn đăng ký mới đợt 1 đã gấp nhiều lần cả năm 2023.
Chị Nguyễn Thị Vân, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm là một trong số những lao động có mong muốn được tiếp nhận hồ sơ đi xuất khẩu lao động thời vụ tại quận Bonghwa-gun đợt 1 cho biết: “Tôi nắm bắt thông tin trên fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm và biết rằng năm nay có đợt tuyển dụng này. Mặc dù chưa bao giờ đi làm việc tại đây, nhưng thông qua những người đi trước tôi biết công việc bên nước bạn phù hợp với khả năng và sở thích của tôi. Tôi rất muốn có cơ hội được trải nghiệm và mang về một khoản kinh tế cho gia đình trong một thời gian không dài như thế!”.
Còn với chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm chia sẻ: Tháng 8 năm 2023, tôi được một công ty ở quận Bonghwa-gun tuyển dụng theo chương trình này. Làm việc 3 tháng ở đây, tôi không có cảm giác xa lạ, khó khăn gì. Bởi vì, ở nhà tôi đã từng làm các công việc nhà nông, sang đây đúng thời điểm thu hoạch nông sản, tôi bắt tay vào công việc khá dễ dàng. Mỗi tháng, trừ chi phí từ 5-6 triệu tiền Việt Nam cho ăn uống, còn lại số tiền công vài chục triệu mang về nhà. So với công việc làm nông ở quê, thu nhập ở đây khá hơn rất nhiều.
Có con nhỏ, nhưng chị Bùi Thị Hà ở xã Thanh Tâm vẫn đăng ký lên đường làm việc theo yêu cầu tái tiến cử của chủ doanh nghiệp quận Bonghwa-gun, nơi chị đã từng được nhận làm việc trước đây. Chị Hà nói: Lần đầu tiên, những phụ nữ như mình xa nhà, xa con có thể sẽ rất khó khăn. Nhưng một thời gian ngắn khi đã hòa nhập công việc, mình thấy quen và yêu thích việc làm ở đây. Đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp, vệ sinh, rất kỷ luật. Nông dân chúng tôi sang đó làm việc sau một thời gian, ai cũng có cảm giác học hỏi được nhiều điều, từ trách nhiệm của bản thân với môi trường và sức khỏe cộng đồng đến cách thức sản xuất theo công nghệ cao của nông dân Hàn Quốc...”. Lần này, ông chủ cũ của chị Hà, mong muốn được nhận những lao động cũ như chị quay trở lại làm việc trong thời gian từ 3 đến 5 tháng. Chị Hà phấn khởi nói: “Ở đây, không chỉ có lao động người Việt Nam, trong trang trại rộng lớn, còn có nhiều lao động đến từ các nước Thái Lan, Philippin.
Mở rộng hợp tác
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, chưa bao giờ số lượng lao động nông thôn Hà Nam đăng ký xuất khẩu lao động thời vụ tại quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk, Hàn Quốc tăng đột biến như năm nay. Đã có lúc, bộ phận tiếp nhận thông tin, hồ sơ của trung tâm phải làm việc quá tải vì nhu cầu tư vấn, việc làm của người lao động theo chương trình này gấp nhiều lần các năm trước. Trong khi, các doanh nghiệp đã sử dụng lao động Hà Nam thời gian qua lại có nhu cầu tái tiến cử lao động cũ, vì thế, lao động mới sẽ gặp phải khó khăn trong đăng ký tuyển dụng do số lượng có hạn.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Thực sự rất khó khăn để có thể đáp ứng cho hàng nghìn lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc theo chương trình này. Khi phía doanh nghiệp quận Bonghwa-gun gửi danh sách lao động tái tiến cử được chấp nhận sang làm việc đợt 1 năm 2024, chúng tôi nhận được đề nghị của Quận trưởng Quận Gochang (tỉnh Jeolla Bắc) tuyển dụng lao động thời vụ Hà Nam. Như vậy, Hà Nam có thêm hàng trăm lao động sẽ được tuyển dụng làm việc thời vụ ở các doanh nghiệp tại Gochang theo thỏa thuận”.
Nắm bắt được thông tin này, 769 lao động Hà Nam đã làm hồ sơ đăng ký tuyển dụng làm việc thời vụ ở Gochang. Cuối tháng 3, Quận trưởng Quận Gochang đã có thư trả lời UBND tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về danh sách 262 người được tuyển chọn sang làm việc tại đây. Chị Trần Thị Thảo, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên cho biết: Chúng tôi đã tìm hiểu chương trình làm việc tại Gochang có thời gian dài hơn ở quận Bonghwa-gun. Đó là điều may mắn, vì dù làm việc thời vụ, nhưng nếu ở đó từ 5 đến 8 tháng như thế này sẽ phù hợp hơn ở 3 đến 5 tháng”.
Được hỏi vì sao người lao động nông thôn ở Hà Nam có nhu cầu cao đi xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc hiện nay, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng: Mức lương các doanh nghiệp phía Hàn Quốc trả cho người lao động phù hợp với năng lực; thời hạn làm việc không dài, chỉ từ 3 tháng đến 5 tháng, giờ là 8 tháng, nếu phụ nữ có con nhỏ đều có thể thu xếp công việc trong thời gian này. Công việc của người lao động tại quận Bonghwa-gun, hay Gochang đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là thu hoạch nông sản, rất thuận lợi cho người lao động nông thôn Hà Nam, bởi đó là những việc quá quen thuộc.
Đặc biệt, người lao động không bị yêu cầu cao về ngôn ngữ như các chương trình khác. Nếu ai biết tiếng Hàn thì đó là điều thuận lợi, còn không cũng không quá quan trọng. Hơn nữa, người lao động đi theo chương trình này không phải mất nhiều chi phí, chỉ mất tiền ăn ở trong thời gian làm việc và tiền vé máy bay.
Với những điều kiện trên, nhiều lao động nông thôn Hà Nam đã quyết định xa quê làm việc trong thời gian ngắn ở nước bạn. Mục đích cuối cùng với họ chính là thu nhập để nâng cao đời sống cho gia đình.
Theo báo Hà Nam
https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/vi-sao-nong-dan-ha-nam-thich-xuat-khau-lao-dong-thoi-vu-117614.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn