Việt Nam - điểm sáng trong đầu tư của Hàn Quốc

Việt Nam - điểm sáng trong đầu tư của Hàn Quốc

01/07/2024 | Tác giả: DUY LINH - HÀ QUÂN Lượt xem: 194


Quý 1 năm nay, đầu tư của Hàn Quốc ra nước ngoài giảm. Tuy nhiên dòng tiền của nước này vào Việt Nam lại tăng, đưa mảnh đất hình chữ S trở thành điểm sáng trong bức tranh đầu tư ra nước ngoài của xứ kim chi.

Việt Nam - điểm sáng trong đầu tư của Hàn Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân tại lễ đón ngay sau khi đến Hàn Quốc - Ảnh: DUY LINH

Trong vòng 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chứng kiến sự khởi sắc, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nước có nhiều dự án và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất tại Việt Nam.

Điểm đến quen thuộc và quan trọng

Theo dữ liệu được Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc công bố tuần trước, các khoản đầu tư của công ty Hàn Quốc ở nước ngoài đạt 15 tỉ USD trong quý 1-2024, giảm 14,6% so với 17,6 tỉ USD cùng kỳ năm trước.

Một quan chức Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho rằng việc lãi suất toàn cầu cao, tâm lý nhà đầu tư yếu kém do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông, cùng một số lý do khác, được cho là nguyên nhân của sự sụt giảm này.

Dù vậy trong giai đoạn trên, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chứng kiến mức tăng 47,4%, lên 670 triệu USD, trở thành một trong các điểm sáng. Còn theo số liệu của phía Việt Nam, tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc có 118 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới là 856 triệu USD, đứng thứ 3 trong tổng số 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án cấp mới và tăng vốn chỉ sau Trung Quốc và Singapore.

Việc đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trong bối cảnh giảm chung cũng phù hợp với một cuộc khảo sát của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) với 906 công ty vào quý 3-2023. Thời điểm này, Việt Nam đã đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với phái đoàn hơn 200 doanh nghiệp.

Trong câu hỏi đâu là ba điểm đến làm ăn quan trọng hiện nay, Mỹ đứng vị trí số 1 với 26,6% câu trả lời, tiếp sau đó là Trung Quốc (15,1%), Nhật Bản (10,8%), Việt Nam (7,4%)... Tuy nhiên khi được hỏi đâu là điểm đến quan trọng trong tương lai, đứng đầu là Mỹ với 22,9%, và thứ hai là Việt Nam với 8,7%, xếp trên nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi khác.

Giải thích với Tuổi Trẻ về điều này, ông Hong Sun, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), chia sẻ năm ngoái đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tương đối khiêm tốn so với các nước khác do một số vấn đề.

"Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, tình hình đã khởi sắc trở lại, cho thấy Việt Nam tiếp tục là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc với nhiều công ty Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư", ông Hong Sun khẳng định và tin rằng với nỗ lực của cả hai bên, thời gian tới tình hình có thể tốt hơn nữa.

Các địa phương chủ động

Tham gia chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có lãnh đạo đại diện bảy tỉnh Việt Nam. Ngoài góp mặt tại các hoạt động chính của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh này còn có một số hoạt động riêng với các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy trong vòng chưa đầy hai năm kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 12-2022), đã có hơn 80 đoàn các địa phương của hai nước đến thăm, tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác. Sự sôi động trong hợp tác giữa các địa phương một phần đến từ thực tế gần như tất cả tỉnh thành ở Việt Nam đều đã có ít nhất một doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Văn Nghiệp - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang - cho biết đến nay tỉnh đã thu hút 365 dự án từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi khoảng 2,7 tỉ USD, chủ yếu là lĩnh vực điện - điện tử. Hàn Quốc hiện là nước có số dự án lớn nhất trong 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư tại tỉnh và đứng thứ 2 về vốn đầu tư.

Theo quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Giang được xác định sẽ trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao. "Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc - quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn tương đối phát triển - sẽ tạo tiền đề thu hút nguồn vốn đầu tư mới.

Bắc Giang rất kỳ vọng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương định hướng, giới thiệu các nhà đầu tư lớn đầu tư công nghiệp điện tử, bán dẫn vào Bắc Giang. Tỉnh đang có một nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn là Hana Micron với trên 600 triệu USD", ông Nghiệp chia sẻ.

Trưa 30-6, không lâu sau khi đến Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hoạt động đầu tiên với những người bạn Hàn Quốc của Việt Nam và thăm, gặp gỡ cán bộ nhân viên đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp của những người bạn Hàn Quốc cho quan hệ song phương thời gian qua. Lắng nghe những chia sẻ của họ, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sự xúc động trước tình cảm dành cho Việt Nam, trong đó có cựu HLV trưởng đối tuyển bóng đá nam Park Hang Seo, ông Cho Chul-hyeon (tác giả cuốn sách mang tên Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - là cuốn sách đầu tiên xuất bản riêng về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hàn Quốc)... Thủ tướng mong mỏi những tình cảm chân thành này sẽ chuyển hóa thành dự án, đề án, chương trình hợp tác cụ thể hơn nữa.

Đến Đại sứ quán Việt Nam sau đó, Thủ tướng đã lắng nghe nhiều ý kiến chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng của đồng bào tại Hàn Quốc. Ông giao các bộ trưởng đi cùng thông tin thêm và giải đáp những thắc mắc của bà con trong các vấn đề về quốc tịch, cấp căn cước công dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.

Theo báo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/viet-nam-diem-sang-trong-dau-tu-cua-han-quoc-20240701080905134.htm?gidzl=Bb6zLyecBNejJBbKpp4aVIj2kLRMDYyiO4MpLeDWSdjd5kG7ZJ1rUpj5ibNPOoulFXxf1MFJHAKPpomjU0


Chia sẻ trên

29/06/2024 | Tác giả: THIÊN ĐIỂU

Thuở khai sinh của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

NXB Tri Thức vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 khai sinh và tiến trình của GS Bùi Xuân Bào (1916- 1991), do Ngân Xuyên dịch, sau hơn 60 năm công trình này ra đời.

01/07/2024 | Tác giả: Đàm Nguyễn

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ra đời nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm để NLĐ nhanh chóng trở lại thị trường lao động. Do đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh luôn chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để NLĐ sớm tiếp cận với chính sách này, sớm vượt qua khó khăn, vừa góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội.

29/06/2024 | Tác giả: Vũ Cảnh

Gặp mặt và giới thiệu cuốn sách “Sứ mệnh cao cả” của cố Thứ trưởng Bộ Công an Viễn Chi

Cuốn sách gồm 27 chương và như một bộ phim với những cảnh quay chầm chậm của những ký ức quá khứ dội về…

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...