Việt Nam có nông sản được ví như "vàng xanh", nhưng dễ rơi vào "bẫy giá rẻ" của thế giới
06/11/2024 | Tác giả: Lê Thuý Lượt xem: 27
Từng được ví như "vàng xanh", song giá trị thành phẩm chè của Việt Nam chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới
Sáng 5-11, tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, được sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao.
Ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, từng được ví như "vàng xanh" của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống quý báu.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, nêu thực tế thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào "bẫy giá rẻ" của thế giới.
Làm sao để cây chè trở thành cây làm giàu
Về phía doanh nghiệp, ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới, cho rằng trong giai đoạn hiện nay, người sản xuất, chế biến và thương mại chè cần thay đổi về cách tư duy. Người lao động tham gia trong chuỗi giá trị chè có nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập.
"Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa mà đã thực sự trở thành cây làm giàu"- ông Tuân bày tỏ.
Là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, đơn vị của ông Tuân hiện tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng; đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất…..
Đáng chú ý, Giám đốc Công ty TNHHH Thế Hệ Mới cho rằng Việt Nam có nhiều sản phẩm mà thế giới không có như Trà Shan Tuyết cổ thụ Tà Xùa, Trà vàng Cổ Thụ Tủa Chùa… có thể thu về giá trị hàng chục ngàn USD/kg thay vì vài triệu đồng.
Trong bối cảnh này, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Theo ông Lê Thanh Hòa, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Theo Người Lao Động
https://nld.com.vn/viet-nam-co-nong-san-duoc-vi-nhu-vang-xanh-nhung-de-roi-vao-bay-gia-re-cua-the-gioi-19624110511040562.htm
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn