Việt Nam sở hữu 180.000 ha cây gỗ quý của thế giới: Thu về hơn 220 triệu USD, nước ta là ông trùm đứng đầu về xuất khẩu
25/11/2024 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 82
Mặt hàng này của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tháng 10/2024 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 10.166 tấn quế với kim ngạch đạt 26,2 triệu USD, tăng mạnh 58,1% về lượng so với tháng trước đó.
Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc VPA, Prosi Thăng Long, Tuấn Minh và Senspices là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt lần lượt 1.541 tấn, 663 tấn và 649 tấn. Thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam vẫn là Ấn Độ với 3.986 tấn, tăng 50,1% so với tháng trước đó.
Lũy kế 10 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu được 79.516 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 220,5 triệu USD, tăng 6,4% kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023 cộng lại. Ấn Độ, Mỹ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam đạt lần lượt 27.381 tấn, 8.562 tấn và 6.850 tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu 10 tháng đầu năm bao gồm: Prosi Thăng Long, Gia vị Sơn Hà, Tuấn Minh, Senspices Việt Nam và Olam Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 265 tấn quế, kim ngạch đạt 0,8 triệu USD, so với tháng 9 lượng nhập khẩu tăng 22,7%. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia chiếm 56,2% đạt 149 tấn.
Tính chung 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 3.713 tấn quế, kim ngạch đạt 9,0 triệu USD, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước với Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam chiếm 47,0% và 35,9% lần lượt đạt 1.744 tấn và 1.332 tấn.
Quế là một loại cây thân gỗ, dễ chăm sóc và diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Riêng trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 - 80.000 tấn/năm. Năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD.
Dù là loài cây quen thuộc với người Việt nhưng trên thực tế quế chỉ được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia giống Casia và Madagascar, Sri Lanka giống Ceylon.
Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu quế đến gần 100 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. VPA đánh giá dù Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm nhưng đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.…
Với 16 Hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia, trong đó có UKVFTA đã giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với một số nước khác về thuế. Đây là điều kiện, thời cơ hết sức thuận lợi để các sản phẩm quế của Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Nhu cầu về gia vị của thế giới vẫn ở mức cao, không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/viet-nam-so-huu-180-000-ha-cay-go-quy-cua-the-gioi-thu-ve-hon-220-trieu-usd-nuoc-ta-la-ong-trum-dung-dau-ve-xuat-khau-70035.html
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn