Việt Nam xuất khẩu trái cây tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
03/11/2022 | Tác giả: Anh Vũ Lượt xem: 299
Đó là khẳng định tại Diễn đàn xúc tiến thương mại trái cây Việt Nam ngày 2/11, tại thủ đô Bangkok.
Ngày 2/11, tại thủ đô Bangkok, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức Diễn đàn xúc tiến thương mại trái cây Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện một số doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, trái cây hiện chiếm 14,3% tổng giá trị các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó xuất khẩu chiếm 10-20% tổng sản lượng. Việt Nam hiện xuất khẩu trái cây tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản đang tiếp tục mở cửa cho các loại trái cây có giá trị của Việt Nam như sầu riêng, bưởi da xanh, chanh leo và mới đây nhất là chuối.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, khẳng định Việt Nam và Thái Lan có nhiều tiềm năng có thể hợp tác trong lĩnh vực nông sản, rau củ trái cây tươi, góp phần thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước. Bà cho rằng hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến và hợp tác đưa hàng hóa nông sản vào hệ thống phân phối bán lẻ ở mỗi nước. Ngoài ra, hai bên có thể xem xét vấn đề hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nông sản, rau củ trái cây tươi để đẩy mạnh xuất khẩu sang nước thứ ba, từ đó giúp nâng cao vị thế của cả Việt Nam và Thái Lan trong chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Là người đã gắn bó nhiều năm với thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy - Tuỳ viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan - cho biết những năm gần đây, các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được khách hàng tại Thái Lan đón nhận, đặc biệt là nhóm các sản phẩm đặc sản vùng miền như cà phê, trái cây (vải thiều, bưởi, thanh long), sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, tiềm năng thị trường của nhóm các sản phẩm trên chưa được khai thác triệt để do định hướng phát triển sản phẩm chưa chú trọng yếu tố đột phá, mới mẻ và mang bản sắc riêng.
Ông Nguyễn Thành Huy khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu cụ thể hơn về thị hiếu khách hàng ở mỗi thị trường mục tiêu nhằm gia tăng cơ hội để các sản phẩm của mình được khách hàng biết đến và sử dụng. Ví dụ, người tiêu dùng Thái Lan phần lớn lựa chọn các kênh bán lẻ hiện đại để mua sắm sản phẩm, thích có nhiều lựa chọn về kích thước bao bì để tiện lựa chọn tuỳ hoàn cảnh, có thói quen lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian. Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Thái Lan có xu hướng ưu tiên các sản phẩm ít ngọt, tự nhiên và tốt cho sức khoẻ như thực phẩm hữu cơ, thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Theo ông, việc các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thói quen tiêu dùng này của người Thái để có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất sẽ giúp tăng cơ hội cho trái cây và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam được biết đến và tiêu thụ nhiều hơn ở Thái Lan.
Diễn đàn cũng đã nghe đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận giới thiệu về quả thanh long - loại trái cây đặc sản của địa phương hiện đã bắt đầu có mặt tại thị trường nhiều nước, trong đó có Thái Lan - và nghe Công ty Vina T&T giới thiệu về quả sầu riêng, trái cây đang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam thuộc Tập đoàn Central (Thái Lan) - cũng đã có những chia sẻ rất chân thành để thúc đẩy lượng trái cây và các sản phẩm chế biến từ trái cây hiện diện nhiều hơn trên thị trường Thái Lan. Ông Paul đánh giá Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài, miền Bắc có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông có thể trồng các loại trái cây xứ lạnh; trong khi miền Nam phù hợp với trái cây nhiệt đới.
Hoa quả của Việt Nam cũng rất đa dạng và ngon, chẳng hạn như xoài Đồng Tháp hay thanh long Bình Định. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải tiến thêm khâu bao bì và đa dạng hoá các sản phẩm chế biến từ trái cây. Ông Paul cũng đánh giá việc tổ chức các lễ hội trái cây Việt Nam tại thị trường Thái Lan là một ý tưởng rất hay và Central luôn sẵn sàng cho những sự kiện như vậy.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực hậu cần như Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics và Công ty cổ phần Logistics Vĩnh Tân đã giới thiệu định hướng phát triển nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường, phát triển các dịch vụ trọn gói đồng bộ, phấn đấu giảm chi phí logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Theo bà Lê Thị Mai Anh, Thái Lan đã đưa vào vận hành hành lang kinh tế Đông-Tây và sử dụng tuyến đường này thông qua Việt Nam để đưa nhiều hàng hóa quá cảnh sang Trung Quốc. Đây là những mặt thuận lợi để các doanh nghiệp logistics của hai nước có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng khai thác.
Theo Thời đại
https://thoidai.com.vn/viet-nam-xuat-khau-trai-cay-toi-hon-70-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-tren-the-gioi-177870.html