Vụ công ty môi trường bị tố 'bức tử' môi trường: Đề nghị phạt 300 triệu và đình chỉ lò sấy gây ô nhiễm
24/06/2024 | Tác giả: Nguyễn Hải Lượt xem: 124
Do khí thải lò sấy bùn của Công ty TNHH Môi trường Sông Công vi phạm quy định Luật Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thái Nguyên đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên xử phạt công ty này 300 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của lò sấy bùn 4,5 tháng.
Ngày 14/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thái Nguyên đã có văn bản thông tin kết quả đánh giá chất lượng khí thải và đề nghị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Môi trường Sông Công.
Theo đó, trong các ngày 15/5 và 28/5, cơ quan này đã phối hợp với UBND TP Sông Công, UBND xã Bá Xuyên (TP Sông Công) lấy mẫu khí thải của 2 lò đốt chất thải công nghiệp và lò sấy bùn để đánh giá hiệu quả xử lý.
Kết quả phân tích mẫu khí thải ống khói cho thấy, trong khí thải sau xử lý của lò sấy bùn có thông số bụi tổng (454mg/Nm³) vượt QCVN 19:2009/BTNMT (cột B) - Quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp đối với các chất vô cơ, vi phạm quy định Luật Bảo vệ môi trường; quy định xử lý tại điểm h khoản 4 Điều 20 Nghị định số 45/2022/NÐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Môi trường Sông Công.
Cụ thể, hành vi thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 3 lần (kết quả lấy mẫu và phân tích đánh giá chất lượng khí thải lò sấy bùn theo chế độ đột xuất trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m²/giờ đến dưới 35.000 m²/giờ). Theo đó, vào hồi 15h20 phút, ngày 15/5 tại ống khói lò sấy bùn Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công của Công ty TNHH Môi trường Sông Công (vị trí xả thải có toạ độ: 105°58'07,0"-21°30'52.9") đã thải bụi, khí thải ra môi trường có chỉ tiêu bụi tổng là 454 mg/Nm3 vượt 2,8375 lần so với QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với các chất vô cơ (cột B), áp dụng Kp = 0,8, Kv = 1, trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 30.000 m²/giờ đến dưới 35.000 m/giờ.
Theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 20 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phạt tiền công ty này 300.000.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường (lò sấy bùn) 4,5 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cũng đánh giá, Công ty TNHH Môi trường Sông Công đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính, tích cực, chủ động thực hiện cải tạo hệ thống xử lý khí thải.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công (xóm Tân Mỹ 2, xã Tân Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) có diện tích hơn 26,5 ha, công suất thiết kế trên 3.500 tấn/ngày do Công ty TNHH Môi trường Sông Công trực tiếp quản lý vận hành. Đây là doanh nghiệp xử lý, tái chế rác thải trên địa bàn TP Sông Công và các huyện, thành phố của tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, báo Tiền Phong đã đăng tải bài viết: "Thái Nguyên: Công ty môi trường bị tố 'bức tử' môi trường"; "Vụ công ty môi trường bị tố 'bức tử' môi trường: Đề nghị lấy mẫu đột xuất vào ban đêm", phản ánh Công ty TNHH Môi trường Sông Công liên tục bị tố xả thải “bức tử” môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống người dân sống quanh khu vực. Thậm chí, 17 hộ dân thuộc xã Tân Quang, xã Bá Xuyên (TP Sông Công) đã gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng về tình trạng phát sinh khói bụi và mùi khét của công ty này. Sau đó, ngày 25/4, UBND TP Sông Công đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên xem xét lấy mẫu đánh giá chất lượng khí thải của Công ty TNHH Môi trường Sông Công đột xuất vào ban đêm để giải quyết đơn cầu cứu của 17 hộ dân.
Sau khi bài viết đăng tải bài viết “Thái Nguyên: Công ty môi trường bị tố 'bức tử' môi trường”, ngày 23/3, bà Bùi Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Sông Công đã có văn bản yêu cầu báo Tiền Phong gỡ bỏ bài báo và cho rằng bài viết đã không lấy thông tin từ chủ đầu tư, độ tin cậy không cao... Sau đó, cán bộ, phóng viên của báo đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TNHH Môi trường Sông Công. Lãnh đạo công ty này hứa sẽ trả lời nhưng nhiều lần quá hạn vẫn không có phản hồi. Vì vậy, báo Tiền Phong đã có công văn trả lời công ty này.
Mới đây, ngày 7/6, Công ty TNHH Môi trường Sông Công đã có văn bản tiếp theo gửi báo Tiền Phong. Công văn nêu: "Với tinh thần cầu thị, sau khi Báo phản ánh, Công ty TNHH Môi trường Sông Công đã tiếp thu ý kiến; căn cứ theo nội dung báo cung cấp và đề nghị của cơ quan chức năng của tỉnh, Công ty TNHH Môi trường Sông Công đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên rà soát, đưa ra kết luận và các biện pháp khắc phục (nếu có) liên quan đến vấn đề môi trường; tăng cường thu gom, xử lý khí thải đảm bảo các quy chuẩn quy định và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài Nguyên và môi trường phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công. Thực hiện nghiêm các cam kết với UBND thành phố, không để xảy ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân".
Trong công văn, công ty TNHH Môi trường Sông Công cũng mong báo Tiền Phong tạo điều kiện về mặt thông tin để ổn định, hoàn thiện và chung tay góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra những giá trị cho xã hội.
Theo Báo Tiền Phong
https://tienphong.vn/vu-cong-ty-moi-truong-bi-to-buc-tu-moi-truong-de-nghi-phat-300-trieu-va-dinh-chi-lo-say-gay-o-nhiem-post1646264.tpo
Bạn đọc thấy nội dung hay hãy ấn tặng Xu, tác giả sẽ thêm động lực chia sẻ nhiều nội dung bài khác hay hơn nữa, cảm ơn bạn