Xây dựng kênh thông tin giữa các Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài với vùng ĐBSCL
26/01/2024 | Tác giả: Công Trí Lượt xem: 171
Chiều 24/1, tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm 'Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024 - 2027 gặp gỡ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long'.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành hàng và các tân Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, tiểu vùng sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt, chi phí vận chuyển tăng cao, những hạn chế về mặt nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của vùng,…
Bến Tre là tỉnh có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản. Nhiều sản phẩm của tỉnh như cá tra, nghêu, tôm, các sản phẩm từ dừa và trái cây được khách hàng Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Đông,… ưa chuộng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,53 tỷ USD. Trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha để mở rộng không gian phát triển.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, trong thu hút đầu tư, tỉnh luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư. Trong định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài, Bến Tre ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh - sạch, quản trị hiện đại, ít thâm dụng đất và lao động, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre mong muốn các tân Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam quan tâm, tích cực đóng vai trò cầu nối, kết nối, quảng bá hình ảnh của địa phương, doanh nghiệp đến với cộng đồng các nước; là cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh cập nhật những quy định mới tác động đến xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu của các nước. Từ đó, tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới...
Ông Mai Phan Dũng, Đại sứ, Trưởng phái Đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đánh giá cao buổi gặp gỡ giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại các nước. Ông đề nghị các địa phương trong khu vực cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài luôn tích cực hỗ trợ các tỉnh, thành trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tại buổi tọa đàm, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng doanh nghiệp và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chia sẻ về những triển vọng hợp tác xuất nhập khẩu, đầu tư thương mại, du lịch của doanh nghiệp Bến Tre với các nước; việc đưa sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam xâm nhập sâu và có chỗ đứng bền vững ở thị trường các nước. Đồng thời đề ra các giải pháp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong thời gian tới…
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho hay, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ khá nhiều của các cơ quan ngoại giao trong việc làm cầu nối đưa các sản phẩm chế biến từ dừa của công ty vào thị trường các nước. Hiện nay, mỗi năm, Công ty có kim ngạch xuất khẩu từ 50 - 70 triệu USD, thị trường chủ yếu là các nước: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thời gian tới, Công ty mong muốn các tân Đại sứ, cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục hỗ trợ, làm cầu nối đối với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, thông qua Tọa đàm đã tạo cơ hội cho tỉnh Bến Tre nói riêng và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch,... Qua đó, xây dựng kênh thông tin hiệu quả giữa các Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài với chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại thị trường nước ngoài và quảng bá du lịch của các địa phương.
Theo Báo mới
https://baomoi.com/xay-dung-kenh-thong-tin-giua-cac-truong-dai-dien-viet-nam-o-nuoc-ngoai-voi-vung-dbscl-c48168934.epi