Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển HTX nông nghiệp công nghệ cao
31/10/2022 | Tác giả: T.H Lượt xem: 398
Hà Nội đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiều HTX đã trở thành nòng cốt trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng thành công NTM.
Những năm vừa qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 382/382 xã đạt chuẩn NTM. Để có kết quả này, không thể không ghi nhận những thành quả bước đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các HTX…
Nòng cốt là HTX
Một trong những mô hình nổi bật có thể nhắc đến là HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: HTX đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường 300 kg rau/ngày, 100% sản phẩm được dán mã QR code, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Cũng nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn, HTX Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã và đang đóng góp rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản Thủ đô.
Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX chia sẻ: ngay từ khi thành lập HTX, tôi đã đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm rau, củ chất lượng cao và trở thành tỷ phú trong lĩnh vực này… Phân hữu cơ mình tự ủ được từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu lót chuồng gà, chuồng vịt nên chi phí rẻ mà lại rất tốt, làm đất tơi xốp, giữ ẩm, hạn chế công tưới… Rau trồng phát triển tốt, ăn ngon ngọt, vị thơm đậm và an toàn khi sử dụng”.
Theo chia sẻ của vị giám đốc này, trồng rau hữu cơ vất vả hơn một chút, do phải tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp 3 – 5 lần so với làm truyền thống. Đặc biệt, như thời gian Hà Nội phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch lây lan, thương hiệu rau hữu cơ Cuối Quý vẫn tiêu thụ tốt.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho vườn rau, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài, bà Cuối đã đầu tư đào đường mương lớn xung quanh vườn rau để tích trữ nước. Đồng thời, bà còn thả cá trắm, trôi, chép và tận dụng chính nguồn rau vụn từ quá trình sơ chế để làm thức ăn cho chúng. Vì vậy, gần như khu vườn của HTX Cuối Quý thành quy trình sản xuất khép kín, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Hiện, đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại…
Ngoài ra, còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng, và khách đến lấy tại ruộng, với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/1kg. Năm 2020, sản phẩm rau của hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Mô hình được nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập.
Sớm kiện toàn HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Với 13 HTX nông nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, Hà Nội là địa phương đứng thứ ba cả nước về số HTX nông nghiệp công nghệ cao, sau Lâm Đồng (36 HTX) và Long An (14 HTX). Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội.
Nhìn nhận về bức tranh xây dựng NTM của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho rằng, kết quả thực hiện trong năm qua có nhiều khởi sắc và thực chất.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa rõ nét, nhất là chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, từ sản xuất hộ gia đình sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, hoạt động của các HTX còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch, đầu tư cho xây dựng NTM, nhất là các xã NTM nâng cao chưa rõ.
Để phát huy vai trò của các HTX, Hà Nội xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ về sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo động lực cho các địa phương xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, cần thay đổi về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế của nông nghiệp Thủ đô. Kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX, trang trại; đặc biệt là việc giải thể, chuyển đổi các HTX ngừng hoạt động theo hướng liên doanh, liên kết giữa các HTX. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Theo VnBusiness
https://vnbusiness.vn/mo-hinh/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-htx-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1088940.html