Xử phạt in lậu 1,2 tỷ đồng trong năm 2022
30/09/2023 | Tác giả: Mai Nhật Lượt xem: 303
Cơ quan chức năng xử phạt in lậu hơn 1,2 tỷ đồng - tăng 53% so với năm 2021, đánh giá tình trạng ngày càng tinh vi, quy mô lớn.
Thực trạng được nêu ra trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc 2023 tại TP HCM, ngày 28/9.
Theo ông Phạm Tuấn Vũ - Phó trưởng đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương, năm 2022 có 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, photocopy, tăng 154 % so với năm 2021 (722 cuộc). Trên 130.000 ấn phẩm và bán thành phẩm không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy.
Tại sự kiện, nhiều đại biểu từ Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM cho biết phát hiện nhiều cơ sở in lậu mức độ lớn, hình thức tinh vi. Chẳng hạn, ở Hà Nội, một cơ sở phát hành xuất bản phẩm bán sách giả đến 40.318 cuốn, ước tính trên 11 tấn. Ở một nhà sách, đội liên ngành Phòng chống in lậu tạm giữ 393 đầu xuất bản phẩm, tổng số 74.636 cuốn sách (ước tính 40 tấn) không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đại diện cơ quan quản lý, việc phòng chống in lậu gặp nhiều trở ngại do thiếu thốn về khâu nhân lực. Đến tháng 8, cả nước chỉ còn 55 tỉnh có đội liên ngành, giảm năm đơn vị so với năm 2022. Khâu tài chính cho các đội liên ngành vẫn chưa được khắc phục, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động còn khó khăn. Ngoài ra, ở nhiều trường hợp, khi phát hiện sai phạm, cách phối hợp giữa các đội liên ngành còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác thanh tra.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá thời gian qua, dù gặp khó khăn về kinh phí, nhiều địa phương đạt công tác tốt trong phòng chống in lậu, như Quảng Ngãi, Long An, Cao Bằng, phát hiện và xử lý nhiều vụ lớn. Cơ quan quản lý cũng giúp nhiều đối tượng từ việc chưa nắm bắt, hiểu biết pháp luật chuyển sang chấp hành và làm các thủ tục đăng ký cấp phép theo quy định.
Theo ông Lâm, việc phòng chống in lậu cần mở rộng sang cả không gian mạng. Nhiều nơi quảng cáo trên mạng xã hội là sách thật, nhưng khi ấn phẩm đến tay độc giả lại là sách giả.
Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Xuất bản, in và phát hành để bổ sung thể chế, có thông tư mới để phòng chống in lậu hiệu quả hơn, dự kiến vào cuối năm hoặc năm sau. "Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm, xây dựng chuẩn mực đạo đức để nâng thương hiệu của ngành in Việt Nam, tăng độ cạnh tranh với quốc tế", ông Lâm cho biết.
Theo báo VnExpress
https://vnexpress.net/xu-phat-in-lau-1-2-ty-dong-trong-nam-2022-4658527.html