Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng, nông dân chưa thể vui vì giá chưa cao

Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng, nông dân chưa thể vui vì giá chưa cao

25/02/2022 | Tác giả: Tùng Lâm Lượt xem: 406


Việc xuất khẩu gạo những ngày đầu năm với những tín hiệu tích cực đương nhiên là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu tháo được nút thắt trong hậu thu hoạch như sơ chế, sấy sẽ giúp nâng giá trị hạt gạo và bảo đảm giá lúa cho người nông dân.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng, nông dân chưa thể vui vì giá chưa cao

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vừa qua  đạt 505.741 tấn, trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí cao, người trồng không có lãi

Dù xuất khẩu gạo tăng nhưng thực tế giá lúa tại các vùng trồng trọng điểm, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang được đánh giá là ở mức thấp. Cụ thể, ngày 24/2, tại An Giang, giá một số loại lúa thông thường chỉ được thu mua quanh mức 5.200 -5.800 đồng/kg. Còn tại Đồng Tháp, loại lúa tươi giống OM 18 có giá 5.700 - 5.800 đồng/kg, OM 5451 là 5.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 giá 5.700 - 5.800 đồng/kg, IR 50404 là 5.400 đồng/kg...

Theo ngành nông nghiệp một số địa phương, khoảng 2 tuần nữa, vụ lúa Đông Xuân sẽ thu hoạch rộ. Lúc này, dù giá lúa có tăng lên 200 hay 300 đồng/kg thì vẫn thấp hơi so với vụ Đông Xuân năm ngoái khoảng 700 – 1.000 đồng/kg. Nhưng theo thông lệ, giá lúa khi vào vụ thu hoạch rộ sẽ khó tăng vì nguồn cung dồi dào.

Chỉ khoảng 10-15 ngày nữa là vào vụ thu hoạch lúa rộ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trương Phú Quốc, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Thuận Tiến (Hậu Giang) cho biết hiện, chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhiên liệu và cước vận chuyển đều tăng nên người nông dân không có lãi như mong muốn, một số bà con còn bị lỗ nếu không sản xuất khoa học.

“Chi phí  đầu tư trung bình là khoảng 3,2 triệu đồng/công, trong khi cùng kỳ chỉ dao động từ 2-2,5 triệu đồng/công. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá lúa bán giảm và ở mức thấp so với năm ngoái. Giá các loại lúa thông thường phải từ 6.500-6.900 đồng trở lên thì người trồng mới thu được lợi nhuận”, ông Quốc nói.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, giá lúa hiện không cao vì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế đang thấp so với năm ngoái. Cụ thể là giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng đầu năm là 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, hiện nay, người dân chủ yếu bán lúa tươi trong khi khâu sơ chế tại nhiều vùng chưa được chú trọng nên làm giảm chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá lúa bán tại ruộng giảm.

“Thường thì chất lượng lúa vụ Đông Xuân luôn được đánh giá cao, nhưng để bảo đảm được chất lượng hạt gạo thì 24 - 48 giờ sau khi cắt, lúa phải được sơ chế, sấy, bảo quản kịp thời. Nếu không làm được điều này thì hạt gạo sẽ bị ẩm vàng, từ đó phẩm chất gạo sẽ bị giảm mạnh và kéo giá bán giảm theo”, ông Đôn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận , Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, hiện tại nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có lò sấy lúa nhưng do người dân thường xuống giống đồng loạt, thu hoạch tập trung trong khi đầu ra bị phụ thuộc và mùa vụ chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 3-4 tuần khiến các lò sấy quá tải.

Tiến tới sản xuất theo đơn hàng

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 43-43,5 triệu tấn thóc, nhưng lượng thóc hao hụt là khoảng 8% -10%/năm, tương đương với 1,7 triệu tấn gạo.

Hao hụt xảy ra ở các khâu từ thu hoạch đến quá trình vận chuyển, sấy, tồn trữ, xay xát và chế biến, bảo quản. Ông Nguyễn Văn Đôn dẫn chứng khi đến ngày lúa thu hoạch là lúa đã chín nhưng do nhiều nguyên nhân như dịch bệnh, thiếu máy gặt đập nên thời gian thu hoạch bị kéo dài khiến lúa bị rụng. Còn nếu thu hoạch sớm, hạt lúa còn xanh thì cũng gây ra hao hụt.

Hiện, nếu tiến hành xuất khẩu vào thị trường châu Âu và theo cam kết của Hiệp định EVFTA thì gạo phải đạt chuẩn chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt là mới đây, Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc (aT) đã có thông báo, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng gạo và kế hoạch các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo trong năm 2022 của Hàn Quốc sẽ ưu đãi thuế 5% dành cho 55.112 tấn gạo của Việt Nam. Đây là tin vui nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt, vì yêu cầu về chất lượng xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc cũng rất nghiêm ngặt.

Chính vì vậy, để tận dụng được thị trường thì phải nâng cao được chất lượng. Và muốn bảo đảm được chất lượng thì phải bảo đảm được sự đồng bộ trong sản xuất. Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết nút thắt này, việc doanh nghiệp liên kết với HTX, người dân để sản xuất theo đơn đặt hàng là vô cùng quan trọng. Thông qua sự liên kết này, khi lúa vừa thu hoạch xong có thể mang đi ngay để sơ chế, làm tăng hiệu quả và giá trị hạt gạo, đồng thời bảo đảm thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho biết hiện nay, không chỉ người tiêu dùng thế giới mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng lúa gạo. Vì thế, để tận dụng những lợi thế đã có và tăng xuất khẩu gạo, cần theo dõi sát nhu cầu thị trường và loại bỏ tư duy sản xuất cũ, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

“Tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam đang khá lớn, chế biến sâu chưa nhiều nên giá thành sản xuất cao. Vấn đề này cần được giải quyết bằng các chuỗi giá trị bền vững. Có như vậy, lúa gạo Việt mới có cơ hội cạnh tranh về giá và chất lượng trên thị trường quốc tế, và người dân có thể gắn bó với cây lúa lâu dài”, ông Cứng chia sẻ.

Theo Vnbusiness

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/xuat-khau-gao-tang-manh-ve-luong-nong-dan-chua-the-vui-vi-gia-chua-cao-1083883.html


Chia sẻ trên

24/02/2022 | Tác giả: Kim Ngân

Xung đột quân sự Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ra sao?

Giá dầu và khí đốt có thể sẽ tăng mạnh hơn khi khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang, nhưng năng lượng sẽ không phải thứ chịu tác động duy nhất.

27/02/2022 | Tác giả: Như Tâm

Loại Nga khỏi SWIFT mang lại hệ lụy gì cho thị trường thế giới

Phương Tây ngày 26/2 quyết định chặn “có chọn lọc” các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ tạo ra đòn giáng mạnh với kinh tế Nga nhưng cũng tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho công ty và ngân hàng của chính họ.

23/02/2022 | Tác giả: Phiên An

Singapore đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế như thế nào

Từ một nước nghèo ở "thế giới thứ ba", Singapore mất 30 năm để trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu và giữ phong độ đến ngày nay.

Tài khoản của quý khách chưa đủ điều kiện để thực hiện chức năng này

Để có thể tham gia đăng ký tài khoản mua - bán với siêu ứng dụng VIVINA. Quý khách cần đăng ký làm chủ gian hàng với đầy đủ thông tin xác thực và được chập thuận bởi BQT. Vui lòng nhấn vào đường dẫn dưới để biết thêm thông tin...