Xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu
01/07/2022 | Tác giả: An Nguyên Lượt xem: 416
6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu với giá trị đạt 710 triệu USD.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Tính chung quý 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý 1/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý 1/2022. Trong 6 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,9 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.
Trong 6 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 276 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2022, xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng như giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng.
Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Electronic giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thị trường suy giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu như giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa.
Mặt khác, việc xuất khẩu hàng hóa qua biên giới dù đã được cải thiện nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra do lượng xe đổ về nhiều và quá đông so với năng lực thông quan.
Ngoài ra, giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng của chi phí vận chuyển tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự báo thời gian tới xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc bởi sự phục hồi của kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Hơn nữa, Bộ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, nhất là trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/xuat-khau-tiep-da-tang-truong-can-can-thuong-mai-nghieng-ve-xuat-sieu-d201735.html