Ấn Độ săn lùng sản vật quý hiếm của Việt Nam gần như chỉ có tại 2 quốc gia: Trồng ít nhất 4 năm mới được thu hoạch, nước ta nắm sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm
13/12/2023 | Tác giả: Như Quỳnh Lượt xem: 267
Hiện nay trên thế giới cực hiếm quốc gia sở hữu mặt hàng này với mỗi cây cho thu hoạch đến hàng chục năm.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 11 đạt 965 tấn với trị giá 5,1 triệu USD. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường chính xuất khẩu của hoa hồi Việt Nam với 419 tấn và 234 tấn.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu được 15.054 tấn hoa hồi với tổng kim ngạch đạt 78,1 triệu USD, tăng mạnh 29%. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường chính của hoa hồi Việt Nam chiếm lần lượt 49,4% và 25,1% thị phần. Các doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi hàng đầu bao gồm Prosi Thăng Long, Nedspice và Tuấn Minh.
Hồi là một cây nhỡ cao 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, dòn, vò nát có mùi thơm. Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng.
Năng suất từ năm thứ 4-6 là 0,5 -1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50kg/cây. Nếu cây hồi được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao và ổn định, kéo dài thời gian thu hoạch lên tới 80 năm.
Tại Việt Nam, diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn. Cây hồi không chỉ có ở Lạng Sơn mà còn được trồng ở một số tỉnh khác của nước ta như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh… Loài cây này được gọi là báu vật bởi cây hồi hầu như chỉ có tại Trung Quốc và Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức Gia vị Thế giới, sản lượng hoa hồi của Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu. Với hoa hồi, Việt Nam là nhà cung cấp tiềm năng cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới - trị giá đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD vào năm 2026 (theo Marketsandmarkets.com).
Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Tridge, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi thống trị trên toàn thế giới. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Năm 2022, Việt Nam có tổng khối lượng xuất khẩu hồi là 12.885 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 72,9 triệu USD. Thông thường, sản lượng hồi của Việt Nam vào khoảng 5.500 – 6.500 tấn mỗi năm.
Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu. Thân cây hồi có những hương vị đặc trưng như hạt giống, được ăn như rau. Hạt của cây hồi được chế biến và sử dụng trọng một số sản phẩm thực phẩm. Bột hoa hồi rất thích hợp cho việc làm bánh và là gia vị chủ yếu cho nhiều công thức nấu ăn như thịt vịt, thịt lợn…
Ở Phương Tây, dầu được sản xuất bằng cách chưng cất hoa hồi, và tinh dầu hồi thường được cho vào một số loại rượu vang. Đây cũng là một loại hương vị trong các món tráng miệng và món nướng. Trong y học cổ truyền, hoa hồi giúp cho việc kích thích tiêu hóa, đồng thời dùng để điều trị và giảm đau bụng. Vì thế, từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.
Tại Việt Nam, hoa hồi thường được ưa chuộng sử dụng làm gia vị nhiều ở dạng bột hoặc nguyên đóa. Vì đặc tính cay, thơm nên hoa hồi là gia vị được sử dụng nhiều trong các món như phở, cà ry, hầm, tiềm…. giúp tạo vị và dậy mùi, cho món ăn có hương vị nồng nàn và đặc sắc. Ngoài ra hoa hồi còn tạo cảm giác thèm ăn, kích thích vị giác.
Bộ Công Thương cho biết, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.
Theo Nhịp sống thị trường
https://markettimes.vn/an-do-san-lung-san-vat-quy-hiem-cua-viet-nam-gan-nhu-chi-co-tai-2-quoc-gia-trong-it-nhat-4-nam-moi-duoc-thu-hoach-nuoc-ta-nam-san-luong-hang-nghin-tan-moi-nam-48860.html