Bến Tre: Phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững
26/01/2024 | Tác giả: NT Lượt xem: 240
Tại Bến Tre, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Giải pháp phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban quản lý Dự án dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre tổ chức mới đây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian qua, nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại Bến Tre, nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành và ngày càng phát triển. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.
Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt trên 23.747 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn/tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688.000 tấn. Địa phương có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.
Đặc biệt, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên hàng năm. Đến nay, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.000 ha; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... với hơn 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Riêng đối với dừa uống nước, toàn tỉnh hiện có trên 15.000 ha và diện tích dừa uống nước ngày càng tăng lên, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tại, Bến Tre đã có hơn 5 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Nhật, Singapore, Australia, Canada…
Hiện nay, có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343 ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành dừa, trong thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm từ quy trình canh tác; việc tổ chức thu mua, sơ chế thông qua liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã cung ứng dừa cho doanh nghiệp; việc đầu tư thiết bị, dây chuyền chế biến và tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp.
Cùng đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật trong hệ thống quản lý nông nghiệp cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước về cây dừa đều hướng đến mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/ben-tre-phat-trien-chuoi-gia-tri-dua-an-toan-ben-vung-102231024152216566.htm