Nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch xứ dừa
26/01/2024 | Tác giả: NT Lượt xem: 178
Bến Tre đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch, nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch xứ dừa gắn với những đặc trưng vốn có của địa phương.
Ngày 26/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre tổ chức họp mặt doanh nghiệp du lịch nhân Kỷ niệm 53 năm Ngày Du lịch thế giới (27/9/1970 - 27/9/2023).
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 9 tháng qua, Bến Tre đón hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 79,4% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế gần 293 nghìn lượt, tăng hơn 4 lần so cùng kỳ; khách nội địa đạt hơn 1,4 triệu lượt, tăng 57,4%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.148 tỷ đồng, tăng 84,7%.
Ngành du lịch Bến Tre có bước phát triển năng động và sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất khẩu nông sản tại chỗ, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân địa phương. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước được quan tâm đầu tư nâng cấp, đặc biệt hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển... Công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước đi vào chiều sâu.
Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người quản lý, nhân viên phục vụ, người lao động và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch được tỉnh quan tâm tổ chức thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch.
Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục phát huy hiệu quả, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm đẩy mạnh.
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh. Tỉnh từng bước hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mang đặc thù vùng sông nước miệt vườn, xứ dừa.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị ngành du lịch tăng cường mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước để xây dựng sản phẩm, kết nối tour, tuyến du lịch; quan tâm đổi mới, sáng tạo cả về nội dung và hình thức quảng bá để thu hút và tạo ấn tượng đối với du khách.
Các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu xây dựng và khai thác, phát triển thêm nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, trong đó chú trọng khai thác phát triển sản phẩm có giá trị từ cây dừa. Bên cạnh việc vận động các hộ dân, các hợp tác xã tham gia phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng tăng trưởng xanh, cần chú trọng mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trải nghiệm cao cấp, nhất là khu vực các huyện ven biển để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế hướng Đông.
Ông Trần Ngọc Tam cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch như đào tạo nguồn nhân lực du lịch; thanh tra, kiểm tra nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch, nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch xứ dừa gắn với những đặc trưng vốn có của địa phương.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/no-luc-xay-dung-thuong-hieu-du-lich-xu-dua-102230927143715952.htm