Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp
23/11/2023 | Tác giả: Vũ Châu Lượt xem: 209
Với lợi thế là vùng đất nằm ở cuối trời Tổ quốc với ba mặt giáp biển, có rừng, có biển và nhiều sản vật nổi tiếng, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống của người dân.
Xây dựng nhiều mô hình du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiêu Minh Tiên, Cà Mau đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, với mục tiêu hướng khách du lịch đến các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, đặc biệt là cuộc sống của cộng đồng người dân địa phương, đồng thời bảo đảm tính nghiêm ngặt về sự nguyên vẹn của đời sống văn hoá cộng đồng và môi trường.
Một trong những lợi thế cho Cà Mau khi thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới) với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau diện tích tự nhiên khoảng 42.000ha và Vườn Quốc gia U Minh Hạ diện tích 8.286ha. Với những đặc điểm thuận lợi trên, tỉnh Cà Mau đã cho ra đời một số sản phẩm, hình thức du lịch có tính đặc thù riêng, mang đậm dấu ấn của điểm cực Nam Tổ quốc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến Cà Mau, du khách vừa có thể bao quát được sự trù phú, hào sảng của rừng vàng biển bạc nơi này vừa có thể trải nghiệm một ngày cùng cư dân địa phương đi bắt cá, vọp, ốc len, cua, tự chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã, tìm hiểu đời sống của người dân địa phương.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới bền vững; Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng và phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường cả trong nước và quốc tế.
Đến năm 2025, mỗi địa phương trong tỉnh có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Nỗ lực vượt qua rào cản
Theo ngành du lịch tỉnh Cà Mau, trên thực tế du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ở Cà Mau chưa được quy hoạch một cách bài bản, chưa thực sự phát triển, chưa phát huy hết tiềm năng, hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể là các hộ dân làm nông nghiệp còn theo kiểu tự phát, rời rạc thiếu liên kết, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa gắn kết với các doanh nghiệp lữ hành nên nguồn khách đến các địa bàn du lịch cộng đồng nông nghiệp còn ít và không ổn định, từng lĩnh vực bị trùng lắp sản phẩm, một số sản phẩm du lịch chưa được khẳng định về thương hiệu và chất lượng, thiếu tính bền vững. Nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, công tác tiếp thị, quảng bá chưa hiệu quả.
Nhận diện những hạn chế nêu trên, ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã liên tục có những hoạt động thiết thực để thực hiện mục tiêu, đưa cà Mau đến với du khách, làm du lịch chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Mới đây, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng về kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững theo định hướng du lịch cộng đồng cho hơn 300 học viên là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn. Tổ chức triển lãm “Cà Mau không còn xa” tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, tổ chức nhiều lễ hội, Festival. Thường xuyên tổ chức các buổi cà phê kết nối doanh nghiệp, do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì. Những lần xúc tiến thương mại ngành du lịch; những cuộc họp do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) tổ chức... có liên quan đến lĩnh vực du lịch đều có người của các công ty lữ hành tham dự. Qua những buổi tiếp xúc này, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạnh dạn bày tỏ tâm tư, tình cảm, trăn trở của mình đến với ngành chuyên môn, cũng như lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương.
Tiếp thu những ý kiến hay, những kiến nghị chính đáng của các công ty kinh doanh lữ hành, tổ chức lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau năm 2023. Tổ chức nhiều hội thảo thiết thực tại các hộ làm du lịch để chính những người tham gia làm du lịch trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Theo báo Đại biểu Nhân dân
https://daibieunhandan.vn/doi-song/ca-mau-day-manh-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-i350085/